Vào ngày 21/6, liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu tiến hành mở cửa hầm phải phía Tây hầm số 2 thuộc dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1. Đây là cửa hầm đầu tiên được mở trên toàn tuyến dự án cao tốc này.

Về tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tại tỉnh Cao Bằng đang đáp ứng được 82% tiến độ tổ chức thi công và dự kiến đến tháng 7/2024 sẽ hoàn thành 100% công tác GPMB.

Đối với tỉnh Lạng Sơn, tiến độ tổ chức thi công đang đạt mức 10,5% và dự kiến sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 9/2024.

Giải thích về một số vướng mắc tại dự án, ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó tổng giám đốc CTCP Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh cho biết, mặc dù đã mở cửa thi công hầm số 2 nhưng mặt bằng cho bãi thải và khu chức năng trạm trộn bê tông chưa được bàn giao, kiến nghị UBND tỉnh Cao Bằng đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và thống nhất bổ sung các bãi thải phát sinh trong quá trình thi công.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Tuấn đề xuất UBND tỉnh Cao Bằng tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn, Chính phủ để bổ sung đủ chỉ tiêu sử dụng đất cho dự án trong quý IV/2024 và chấp thuận bổ sung 4 mỏ vật liệu đất, phương án cải tạo tận dụng đất dôi dư để đáp ứng nguồn vật liệu đất đắp thi công.

Liên danh Đèo Cả mở khóa chốt đầu tiên của dự án 14.000 tỷ đồng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Liên danh Đèo Cả mở cửa hầm phải phía Tây hầm số 2 thuộc dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1

Được biết, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km với 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có chiều dài 93,35 km, điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng). Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14.331 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026, thời gian hoàn vốn dự kiến là 24 năm 10 tháng.

Ban đầu, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, được Bộ GTVT lập quy hoạch có chiều dài 144km với tổng vốn đầu tư trên 47.000 tỷ đồng.

Với năng lực đầu tư, kinh nghiệm tổ chức giải quyết nhiều dự án khó khăn phức tạp về kỹ thuật, tài chính, pháp lý… Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với 4 hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23 km chiều dài tuyến xuống còn 121 km, tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn còn gần 23.000 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với phương án ban đầu.