Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy nhiều địa phương đã bứt phá mạnh mẽ, góp phần vào mức tăng trưởng GDP cả nước cao nhất trong gần 20 năm qua. Trong đó, 5 địa phương có GRDP tăng trưởng cao nhất đều ghi nhận mức tăng từ 10% trở lên – đặc biệt là sự góp mặt của các trung tâm công nghiệp, dịch vụ mới nổi.
Quán quân tăng trưởng GRDP trong 6 tháng đầu năm nay là Quảng Ngãi, với mức tăng ấn tượng 11,51%. Riêng tỉnh Quảng Ngãi cũ, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 12,4%, đứng thứ hai cả nước trong số 63 tỉnh thành cũ. Theo báo cáo của Chi cục Thống kê địa phương, GRDP 6 tháng của Quảng Ngãi tăng cao nhất trong vòng 5 năm gần đây, với động lực chính đến từ khu vực công nghiệp – xây dựng, tăng hơn 21%, đóng góp gần 8 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Ngành dịch vụ và nông nghiệp cũng ghi nhận mức tăng tích cực, lần lượt đạt 8,58% và 2,96%.
Xếp thứ hai là thành phố Hải Phòng, với GRDP tăng 11,2%. Trong đó, Hải Dương (11,59%) và Hải Phòng (11,04%). Là trung tâm công nghiệp và logistics hàng đầu phía Bắc, Hải Phòng tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của vùng duyên hải Bắc Bộ. Thành phố cảng ghi nhận xuất khẩu, đầu tư hạ tầng và sản xuất công nghiệp duy trì đà bứt phá trong nửa đầu năm. Chính quyền địa phương cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển công nghệ cao và cải thiện môi trường đầu tư, tạo lực hút cho nhiều doanh nghiệp lớn.
Vị trí thứ ba thuộc về Quảng Ninh, địa phương đạt mức tăng GRDP 11,03%. Là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện hiệu quả mô hình phát triển xanh – bền vững, Quảng Ninh tiếp tục chứng minh khả năng cân bằng giữa công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Các lĩnh vực có đóng góp lớn gồm sản xuất, du lịch biển và cảng biển quốc tế. Với nền tảng hạ tầng hiện đại và cải cách hành chính sâu rộng, Quảng Ninh giữ vững vị trí nhóm đầu toàn quốc về tốc độ tăng trưởng.
![]() |
Lộ diện top 5 địa phương tăng trưởng GRDP cao nhất 6 tháng đầu năm. Ảnh minh họa |
Ninh Bình giữ vị trí thứ tư với mức tăng trưởng GRDP 10,82%. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, Ninh Bình vươn lên top 5 cả nước về tăng trưởng kinh tế. Ninh Bình mới là sự hợp nhất của 3 địa phương gồm Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định. Trong đó, riêng Nam Định là địa phương ghi nhận kinh tế tăng trưởng cao thứ 3 cả nước với GRDP ước tăng 11,84%. Kết hợp các lợi thế địa lý và quản trị vùng, địa phương duy trì đà tăng trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và du lịch, giúp Ninh Bình đạt tốc độ tăng trưởng vượt xa trung bình cả nước.
Đứng thứ năm là Bắc Ninh mới, địa phương sau sáp nhập giữa hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. GRDP của tỉnh đạt 10,47%, một phần nhờ đóng góp mạnh mẽ từ Bắc Giang – địa phương đứng đầu cả nước về tăng trưởng GRDP nếu tính theo đơn vị hành chính cũ, với mức tăng 14,01%. Sau khi hợp nhất, Bắc Ninh mới tiếp tục giữ vai trò là “thủ phủ” FDI và công nghiệp điện tử phía Bắc, với nhiều nhà máy của các tập đoàn lớn như Samsung, Foxconn… Tỉnh cũng đang đầu tư mạnh vào khu công nghiệp công nghệ cao và hạ tầng giao thông liên vùng.
Sự kiện sắp xếp hành chính đã tái định hình bản đồ phát triển địa phương, giúp mở rộng quy mô, nâng cao tiềm lực đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng GRDP vượt trội. Năm đại phương này không chỉ dẫn đầu cả nước về tăng trưởng nửa đầu năm, mà còn thể hiện sức bật trong tái cấu trúc kinh tế vùng, tạo đà phát triển bền vững trong những năm tới.