Cách thủ đô Hà Nội khoảng 70 km, thôn Làng Chanh (xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) từng là một vùng quê thuần nông, nơi cuộc sống của người dân gắn liền với cây lúa, cây vải, nhãn, xoài.
Vào đầu những năm 1990, ông Lăng Văn Bắc, một người nông dân trong thôn, tình cờ được bạn bè tặng vài hạt giống sưa đỏ. Ông đem trồng trong vườn nhà mà không ngờ rằng, chính những cây sưa ấy sau này sẽ trở thành “kho báu” của gia đình và cả thôn. Đến khoảng năm 2005–2006, khi thương lái bắt đầu săn lùng gỗ sưa với giá cao ngất ngưởng, ông Bắc trở thành người tiên phong trong việc trồng và ươm giống sưa đỏ tại Làng Chanh.
Đặc biệt, cây sưa đỏ gần 30 năm tuổi trong vườn ông Bắc từng được thương lái trả giá lên tới 12 tỷ đồng, nhưng ông nhất quyết không bán, giữ lại làm “cây sưa tổ” của làng.
![]() |
Cả làng đổi đời nhờ trồng sưa đỏ. Ảnh minh họa |
Thấy được giá trị kinh tế từ cây sưa, người dân trong thôn đồng loạt chuyển đổi cây trồng, phá bỏ vườn vải, nhãn để trồng sưa đỏ. Không chỉ trồng, họ còn thu mua hạt sưa về ươm giống, mở rộng quy mô sản xuất. Thôn Làng Chanh nhanh chóng trở thành vựa ươm sưa đỏ, mỗi năm cung cấp hàng triệu cây giống đi khắp cả nước, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài.
Thời điểm “sốt” nhất, giá hạt sưa giống lên tới 10 triệu đồng/kg, cây giống cao 15–20 cm cũng được bán với giá 15.000–20.000 đồng/cây . Người dân từ khắp nơi đổ về Làng Chanh để mua giống, khiến đường làng lúc nào cũng tấp nập xe cộ.
Nhờ cây sưa đỏ, cuộc sống của người dân Làng Chanh thay đổi rõ rệt. Từ một thôn nghèo, giờ đây, nhiều ngôi nhà tầng khang trang mọc lên, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa sạch sẽ. Nhiều hộ gia đình sắm được ô tô, xe máy đời mới, cuộc sống sung túc hơn trước rất nhiều.
Ông Lăng Văn Hiếu, Bí thư chi bộ thôn, chia sẻ: “Tất cả là nhờ vào sưa cả đấy chứ ở vùng đất này, chú bảo làm gì ra tiền nhiều thế mà xây nhà”.
Câu chuyện của thôn Làng Chanh là minh chứng sống động cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây sưa đỏ thuộc nhóm IA trong danh sách các loài gỗ quý hiếm tại Việt Nam, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.