Theo đó, chỉ tiêu kế hoạch doanh thu năm nay là 6.498 tỷ đồng; lợi nhuận trước và sau thuế nhập doanh nghiệp là 3.300 tỷ đồng (thấp hơn kết quả năm 2020 khoảng 2.800 tỷ đồng); tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu 5,7%; vốn tiếp nhận trong năm là 2.112 tỷ đồng; vốn quản trị trong năm là 37.038 tỷ đồng và kế hoạch vốn đầu tư phát triển là 9.895 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu trên được xác định trên cơ sở 146 doanh nghiệp đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại thời điểm 31/12/2020, đồng thời chưa tính đến việc bán vốn tại 8 doanh nghiệp đã được báo cáo Ủy ban.

1648-scic
Hình minh họa

Ủy ban đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép được tạm thời tiếp tục nắm giữ chưa bán vốn (trong Dự thảo chiến lược phát triển của SCIC) gồm Công ty cổ phần sữa Việt Nam; Công ty cổ phần Dược Hậu Giang; Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội; Công ty cổ phần Cơ khí và khoáng sản Hà Giang; Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC; Công ty cổ phần Viễn thông FPT; Công ty TNHH hai thành viên Đầu tư và thương mại Tràng Tiền; Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2020, doanh thu của SCIC ước đạt 7.945 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch và ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm vừa qua trên 6.100 tỷ đồng, vượt 36% kế hoạch. Đơn vị này nộp ngân sách nhà nước hơn 9.330 tỷ đồng.

Về công tác thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, giai đoạn 2015-2020, SCIC đã bán vốn tại 253 doanh nghiệp, bán bớt vốn tại 14 doanh nghiệp thu về 42.145 tỷ đồng trên giá vốn 8.910 tỷ đồng, gấp 4,7 lần.

Hiện danh mục SCIC còn 145 doanh nghiệp, trong đó có hơn 50% doanh nghiệp đã triển khai bán vốn nhưng không thành công.

Trong năm 2021, SCIC dự báo nền kinh tế toàn cầu cũng như trong nước sẽ còn gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại.

SCIC dự kiến sẽ tập trung chủ yếu vào công tác xây dựng thể chế, chiến lược; tiếp nhận bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; quản trị doanh nghiệp; tái cơ cấu, cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; công tác đầu tư kinh doanh vốn.

Riêng đối với Chiến lược phát triển của SCIC giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2035 đã được triển khai lấy kiến thẩm định của các bộ ngành có liên quan, trong đó xác định định hướng tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, thực hiện tốt vai trò là "nhà đầu tư của Chính phủ", hướng tới mục tiêu trở thành Quỹ Đầu tư của Chính phủ.

SCIC dự kiến giải ngân từ 13.000-16.000 tỷ đồng mỗi năm

Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC cho biết, trong giai đoạn 2020 – 2030, đơn vị định hướng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt để tạo động lực, nhân tố mới, lan tỏa cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Đảm bảo đúng định hướng chiến lược của Đảng và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, SCIC sẽ đầu tư vào một ngành, lĩnh vực như công nghệ cao (viễn thông, công nghệ thông tin...), kinh tế số (hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu...), năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án hạ tầng trọng điểm (hàng không, đường bộ, đường sắt...)… và tài chính ngân hàng.

Về quy mô đầu tư, SCIC đặt kế hoạch đến năm 2025, tổng tài sản đạt khoảng 81.800 tỷ đồng theo giá trị sổ sách.

Trong giai đoạn 2020-2025, trên cơ sở mô hình tài chính được tính toán dựa vào quy mô vốn tiếp nhận, giá trị bán vốn tại doanh nghiệp hiện hữu được xác định trên cơ sở danh mục 31/12/2019, nhu cầu tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp hiện hữu và dòng tiền tài chính như cổ tức, trái tức, vốn điều lệ SCIC tăng thêm…

Dự kiến mỗi năm SCIC có thể giải ngân từ 13.000-16.000 tỷ đồng.

“Hiện SCIC đang tiếp cận, nghiên cứu khả năng đầu tư vào một số dự án trọng điểm của nhà nước có nhu cầu vốn như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam, Vietnam Airlines, PVGas, bổ sung vốn điều lệ Vietinbank, đầu tư mua cổ phần trên thị trường chứng khoán, ACV, Vinamilk, MBBank…”, lãnh đạo SCIC cho biết.