Với vị trí địa lý hết sức quan trọng trong sản xuất của cả nước, miền Bắc Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để thu hút loạt “ong chúa” đến làm tổ và đóng góp hơn nữa vào GDP Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu còn nhiều bất ổn thì Viêt Nam là một điểm đến lý tưởng đối với các nhà đầu tư toàn cầu. Với lợi thế tình hình an ninh, chính trị ổn định; vị trí địa lý thuận lợi cùng lực lượng lao động trẻ dồi dào; thể chế, luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam dần được hoàn thiện gắn với hội nhập, không những tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài mà còn giúp các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu một cách thuận lợi.

Miền Bắc, nơi đang vươn mình mạnh mẽ với tâm thế sẵn sàng đón “đại bàng”. Trong bối cảnh làn sóng đầu tư sắp tới, các tỉnh và thành phố phía Bắc cũng đã lên kế hoạch thêm mới và mở rộng các khu công nghiệp hiện có, do vậy nhà đầu tư sẽ có rất nhiều phương án để lựa chọn cho mình điểm đến phù hợp nhất. Bên cạnh đó giá thuê bất động sản công nghiệp miền Bắc tăng thấp hơn miền Nam cũng là 1 điểm cộng.

Bắt đầu chuyến hành trình, mời các nhà đầu tư đến với cụm 3 tỉnh thành ven biển - 3 “ngôi sao sáng” thu hút nguồn vốn FDI của miền Bắc.

Điểm dừng chân đầu tiên là Quảng Ninh – “Việt Nam Thu nhỏ, Vùng đất tinh hoa hội tụ”, nơi vinh dự được Bác Hồ đặt tên với ý nghĩa “Quảng là rộng lớn, Ninh là yên vui, bền vững”.

‘Lượn vòng’ các tỉnh phía Bắc, nếu đầu tư bạn nên ghé nơi đâu?
Tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh là tỉnh có di sản văn hóa đồ sộ, đa dạng và giàu bản sắc nhất trong cả nước. Hiện Quảng Ninh có hơn 600 danh lam, 6 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 54 di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh. Trong đó Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận “Di sản thiên nhiên thế giới” về giá trị cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo và vừa được vinh danh là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Đây là tỉnh duy nhất có 04 thành phố trực thuộc (Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả) và 02 thị xã (Quảng Yên, Đông Triều); có 03/28 khu kinh tế cửa khẩu (Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh); với 6 cụm cảng biển, 11 bến cảng, và 1 sân bay.

Đồng thời là địa phương được quy hoạch nhiều KCN, KKT nhất miền Bắc. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng còn dư địa lớn về nguồn đất, điển hình là KKT ven biển Quảng Yên, một điểm sáng thu hút đầu tư của tỉnh, hiện vẫn còn trên 9.700ha quỹ đất sạch.

Do đó, Quảng Ninh được xác định là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng đồng bằng sông Hồng, là trung tâm kinh tế mạnh trong chiến lược biển Việt Nam và trong chiến lược “hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt – Trung. Liên tục dẫn đầu về thu hút đầu tư, năm 2023 Quảng Ninh ghi nhận 3.102,8 triệu USD vốn FDI. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 164 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 11,57 tỷ USD.

‘Lượn vòng’ các tỉnh phía Bắc, nếu đầu tư bạn nên ghé nơi đâu?
Tốc độ tăng trưởng GRDP Quảng Ninh. Đồ họa: Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh

Góp phần không nhỏ cho sự tăng trưởng của Quảng Ninh có thể kể đến như TP Cẩm Phả. Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Cẩm Phả ước đạt 18.003 tỷ đồng, con số này cao hơn 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước, và gần bằng tổng số thu của 8 tỉnh cộng lại (Bắc Kạn, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Đắk Nông, Yên Bái, Tuyên Quang có tổng số thu ngân sách hơn 18.100 tỷ đồng).

Hay “kỳ tích” của huyện Hải Hà, từ một huyện nghèo của tỉnh đã đạt được thành tích đặc biệt khi năm 2023, Khu công nghiệp (KCN) cảng biển Hải Hà thu hút được 4 dự án đầu tư mới với số vốn đăng ký hơn 1,6 tỷ USD, điều chỉnh tăng vốn 1 dự án với số vốn tăng thêm 70,25 triệu USD. Trong đó dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam do Công ty Jinko Solar Hong Kong Limited đầu tư 1,5 tỷ USD, tương đương với gần 50% vốn FDI vào tỉnh Quảng Ninh. Chỉ với riêng số vốn này, nếu so với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước, huyện Hải Hà chỉ xếp sau 8 tỉnh, thành và đã có thể xếp trên 55 tỉnh, thành (địa phương có số thu hút FDI đứng thứ 8 là Nghệ An với 1,603 tỷ USD).

‘Lượn vòng’ các tỉnh phía Bắc, nếu đầu tư bạn nên ghé nơi đâu?
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái và cầu Bãi Cháy

Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã phát triển hạ tầng giao thông được đánh giá là dẫn đầu cả nước về sự đồng bộ, tính kết nối cao. Tiêu biểu nhất là cây cầu Bãi Cháy - biểu tượng lịch sử của ngành GTVT, hệ thống cầu Bãi Cháy được đánh giá như bảo tàng, thư viện cầu với đầy đủ các giải pháp thiết kế tiên tiến của ngành xây dựng cầu đường của Việt Nam và thế giới. Hay với cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Quảng Ninh hiện là tỉnh duy nhất sở hữu tuyến cao tốc dài nhất kết nối ba khu kinh tế: Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái; kết nối hệ thống sân bay, cảng biển, logistics và là tuyến cao tốc duy nhất đến nay kết nối trực tiếp đến cửa khẩu quốc tế…

Vậy nên, nếu là một nhà đầu tư nhất định nên đến nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh nhé!

Từ Quảng Ninh, xuôi theo ven biển qua Hải Phòng – “Điểm đến lý tưởng trong mắt các nhà đầu tư” khi thành phố này đang ghi điểm rất cao trên thang đánh giá lợi thế cứng với vị trí địa lý chiến lược. Cũng chính là “quán quân” dẫn đầu về thu hút FDI năm 2023 tại miền Bắc với 3,4 tỷ USD.

‘Lượn vòng’ các tỉnh phía Bắc, nếu đầu tư bạn nên ghé nơi đâu?
Thành phố Hải Phòng

Là thành phố lớn thứ ba của Việt Nam với hơn 126km bờ biển, 100.000km2 thềm lục địa và diện tích biển lên tới 4.000km2, Hải Phòng là một trong 28 tỉnh thành phố ven biển có tiềm năng phát triển kinh tế biển vượt trội. Với hệ thống cảng biển lớn nhất Việt Nam, đây cũng là cảng lọt TOP 50 cảng biển hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới. Hiện nay, cảng có 5 chi nhánh, khu vực cảng có 21 cầu tàu với tổng chiều dài là 3.567m. Tổng diện tích bến cảng Chùa Vẽ và Tân Vũ là 712.110m2 và 3.300m2 kho CFS Chùa Vẽ. Cảng Hải Phòng có khả năng tiếp nhận khoảng 10 triệu tấn/năm. Trong tương lai cảng Lạch Huyện sẽ đầu tư phát triển để đón tiếp tàu siêu trọng 100.000 DWT.

Hải Phòng đang là địa phương duy nhất cả nước vừa có sân bay quốc tế Cát Bi vừa có cảng Hải Phòng là một trong 2 cảng biển loại đặc biệt của cả nước. Nơi đây là cửa ngõ giao thương của khu vực phía Bắc với thị trường quốc tế, là điểm hội tụ của đủ 5 loại hình vận tải đa phương thức.

Điều kiện địa lý thuận lợi, Hải Phòng đã có truyền thống phát triển công nghiệp hơn 100 năm, trở thành điểm đến đầu tư của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như: General Electric, Chevron, LG, Bridgestones, AEON, SK, Pegatron… Tiêu biểu, LG Electronics Việt Nam Hải Phòng đã chính thức nhận giấy phép đầu tư xây dựng tại Khu công nghiệp Tràng Duệ với số vốn đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD.

‘Lượn vòng’ các tỉnh phía Bắc, nếu đầu tư bạn nên ghé nơi đâu?
10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất năm 2023

Hiện tại, thành phố đang tập trung phát triển 14 khu công nghiệp đã thành lập theo hướng đồng bộ, thông minh, sinh thái cả về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ thành lập mới 20 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 7.700ha.

Không chỉ là một thành phố cảng công nghiệp, Hải Phòng còn là một trong những nơi có tiềm năng du lịch rất lớn. Hải Phòng hiện lưu giữ nhiều nét hấp dẫn về kiến trúc, bao gồm kiến trúc truyền thống với các chùa, đình, miếu cổ và kiến trúc tân cổ điển Pháp tọa lạc trên các khu phố cũ. Đồng thời, Hải Phòng hiện đang sở hữu một khu dự trữ sinh quyển thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) nằm tại Quần đảo Cát Bà, cùng với các bãi tắm và khu nghỉ dưỡng ở Đồ Sơn. Thành phố còn có những nét đặc trưng thu hút đông đảo khách du lịch về văn hóa, đặc biệt là ẩm thực và các lễ hội truyền thống.

Tiếp tục với hành trình ven biển, điểm đến tiếp theo là một tỉnh trù phú thuộc đồng sông Hồng. Thái Bình – Tỉnh đột phá trong thu hút vốn đầu tư là nơi nhất định phải ghé đến trong chuyến đi này.

‘Lượn vòng’ các tỉnh phía Bắc, nếu đầu tư bạn nên ghé nơi đâu?
Tỉnh Thái Bình

Bởi lẽ năm 2023 khép lại, Thái Bình đã “gặt hái” nhiều “trái ngọt” trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ấn tượng nhất là đột phá thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với gần 3 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, xếp trong tốp 5 toàn quốc về thu hút vốn FDI.

Để có được bứt phá ấn tượng đó, từ đầu năm đến nay tỉnh đã thu hút được nhiều dự án lớn như dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 212 triệu USD; dự án nhà máy Pegavision Việt Nam sản xuất kính áp tròng cho Công ty Pegavision Corporation với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất rượu soju tại khu công nghiệp Liên Hà Thái với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD….

‘Lượn vòng’ các tỉnh phía Bắc, nếu đầu tư bạn nên ghé nơi đâu?
Tổng sản phẩm trên địa bàn Thái Bình

Vậy nơi này có gì đặc biệt để “đại bàng” hạ cánh?

Từng là một “ốc đảo” thuần nông, nhận thức rõ tầm quan trọng của hạ tầng giao thông trong kết nối vùng, địa phương quyết liệt triển khai hạ tầng với các tỉnh, thành phố lân cận như cầu Tân Đệ, đường và cầu Thái Hà, đường 39, cầu Triều Dương, cầu Nghìn, cầu Hiệp, cầu La Tiến, cầu sông Hóa...

Là tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Hồng, Thái Bình cách Thủ đô Hà Nội 110 km, cách Hải Phòng 70 km; nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Thái Bình có bờ biển dài 54 km, có 5 cửa sông lớn ra biển.

Về tài nguyên, khoáng sản: Thái Bình có nguồn nguyên, nhiên liệu dồi dào. Nguồn khí đốt ở mỏ Tiền Hải đã phục vụ sản xuất vật liệu sành - sứ - thủy tinh của Khu công nghiệp (KCN) Tiền Hải. Tỉnh đang phối hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đẩy nhanh tiến độ đưa khí đốt lô 103, 104 ven biển vào KCN Tiền Hải.

Đặc biệt, Thái Bình có bể than Đồng bằng sông Hồng, được đánh giá có trữ lượng lớn (trên 210 tỷ tấn), đã được Chính phủ quy hoạch khai thác từ năm 2015, mở ra khả năng phát triển công nghiệp. Thái Bình cũng phối hợp với Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) triển khai các hoạt động chuẩn bị thăm dò, khai thác thử nghiệm bể than trên.

Về nguồn nhân lực, Thái Bình có trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 60,1% dân số, trong đó lao động qua đào tạo chiếm 28%.

‘Lượn vòng’ các tỉnh phía Bắc, nếu đầu tư bạn nên ghé nơi đâu?
Quy hoạch không gian khu kinh tế ven biển Thái Bình

Về phương án phát triển mạng lưới giao thông, theo quy hoạch Thái Bình, trên địa bàn tỉnh hình thành 3 tuyến cao tốc mới kết nối với vùng Thủ đô và duyên hải ven biển. Tỉnh từng bước triển khai đầu tư, xây dựng một số cảng quan trọng. Triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình. Sau năm 2030, tỉnh sẽ đề xuất hình thành khu cụm cảng hàng không lưỡng dụng.

Bên cạnh đó, Thái Bình là vùng đất có truyền thống cách mạng; có nhiều di tích được xếp hạng đặc biệt hoặc cấp quốc gia, như Chùa Keo, Khu phát tích các vương triều nhà Trần, Đền Đồng Bằng, Đền Tiên La, Nhà thờ Lê Quý Đôn, Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Lăng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Thái Bình đã quy hoạch các khu du lịch ven biển Cồn Vành, Cồn Đen, Đông Minh... để đầu tư phát triển du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng ven biển.

Dạo qua 3 địa điểm hấp dẫn ven biển, cùng chờ đón những tỉnh thành đặc biệt tiếp theo trong hành trình khám phá miền Bắc nhé!