Theo báo cáo của viện IW do Reuters thu thập độc quyền, tổng vốn các công ty Đức đầu tư vào Trung Quốc trong 3 năm qua bằng với 6 năm trước đó.

Tuy nhiên, các khoản đầu tư của Đức vào Trung Quốc trong 4 năm qua được tài trợ hoàn toàn bằng lợi nhuận tái đầu tư và các công ty cũng đã rút vốn, vẽ nên một bức tranh nhiều sắc thái hơn.

Theo báo cáo của IW, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đức đã giảm vào năm ngoái xuống còn 116 tỷ euro từ mức khoảng 170 tỷ euro vào năm 2022 khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu lơ lửng trên bờ vực suy thoái.

Dữ liệu chính thức của Bundesbank do viện IW phân tích cho thấy đầu tư trực tiếp của Đức vào Trung Quốc đã tăng 4,3% lên mức cao kỷ lục 11,9 tỷ euro (12,7 tỷ USD) vào năm ngoái.

Dữ liệu nhấn mạnh mối lo ngại rằng các công ty Đức tiếp tục đầu tư mạnh vào Trung Quốc bất chấp chính phủ yêu cầu họ giảm mức độ đầu tư và cắt giảm mạnh các khoản đảm bảo đầu tư cho nước này.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Đức
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Đức

Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc công bố vào tháng trước cho thấy tỷ lệ các công ty Đức rời khỏi thị trường Trung Quốc hoặc cân nhắc làm như vậy đã tăng hơn gấp đôi lên 9% trong 4 năm qua.

Đầu tư vào Trung Quốc tính theo tỷ lệ trong tổng đầu tư nước ngoài của Đức đã tăng vào năm ngoái lên 10,3%, mức cao nhất kể từ năm 2014, trong khi đầu tư trực tiếp của Đức vào những nơi khác ở châu Á vẫn trì trệ ở mức khoảng 8%.

Đối tác thương mại lớn nhất của Đức

Theo số liệu từ Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis), Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong năm 2023.

Đây đã là lần thứ 8 liên tiếp Trung Quốc đứng đầu danh sách các đối tác thương mại lớn nhất của nền kinh tế đầu tàu châu Âu.

Cũng theo Destatis, năm 2023, khối lượng trao đổi thương mại giữa Đức và Trung Quốc đạt khoảng 253 tỷ euro (khoảng 270,73 tỷ USD). Trong đó, giá trị hàng hóa Đức nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 155,7 tỷ euro, giảm 19,2% so với năm 2022. Giá trị hàng hóa Đức xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 97,3 tỷ euro, giảm 8,8%.

Thâm hụt thương mại của Đức so với Trung Quốc vẫn ở mức rất cao là 58,4 tỷ euro, chỉ thấp hơn mức thâm hụt kỷ lục 86,1 tỷ euro vào năm 2022.

Đối tác thương mại lớn thứ hai của Đức là Mỹ với tổng khối lượng trao đổi đạt 252,3 tỷ euro, thấp hơn chỉ 0,7 tỷ euro so với trao đổi thương mại với Trung Quốc.

Theo chuyên gia Volker Treier từ Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), nếu sự phát triển thương mại tiếp tục diễn ra như năm 2023, Mỹ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức muộn nhất là vào năm 2025.

Hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu của Trung Quốc về các sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Đức sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Quốc gia láng giềng Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ ba của Đức, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 214,8 tỷ euro.

Không chỉ là đối tác thương mại quan trọng nhất, Trung Quốc còn tiếp tục là quốc gia cung cấp sản phẩm, hàng hóa lớn nhất của Đức trong năm 2023.