![]() |
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang chứng kiến sự phân hóa rõ rệt. Ảnh minh hoạ |
Theo báo cáo của nền tảng phân tích dữ liệu Metric, tổng doanh số giao dịch (GMV) của bốn sàn lớn nhất là Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki trong ba tháng đầu năm đạt 101.400 tỷ đồng, tăng hơn 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, TikTok Shop là cái tên tăng trưởng mạnh nhất, với mức tăng 113,8%, nâng thị phần từ 23% lên 35%. Shopee vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu với 62% thị phần, song đã giảm so với mức 68% của quý I/2024 do tốc độ tăng trưởng GMV chậm hơn, chỉ đạt hơn 29%.
Ngược lại, Lazada và Tiki tiếp tục tụt dốc, với mức giảm doanh số lần lượt là 43,5% và 66,6%. Hiện Lazada chỉ còn nắm giữ 3% thị phần, còn Tiki đã quá nhỏ để được Metric ghi nhận trong thống kê.
Cuối năm 2024, theo số liệu của YouNet ECI, Shopee và TikTok Shop từng nắm giữ lần lượt 66,7% và 26,9% thị phần. Trong khi đó, Lazada và Tiki lúc đó vẫn còn 5,5% và 0,9%. Sự sụt giảm nghiêm trọng của hai sàn này được lý giải bởi khả năng thích nghi kém với xu hướng nội dung số, chưa tối ưu trải nghiệm người dùng và hiệu quả bán hàng thấp.
Diễn biến trong quý I cho thấy hành vi tiêu dùng đang chuyển dịch nhanh chóng sang các nền tảng tích hợp giải trí và mua sắm. TikTok Shop, với hình thức video ngắn và livestream, đang ngày càng được người dùng ưa chuộng nhờ trải nghiệm tương tác sinh động.
Metric nhận định: “Sự chuyển dịch nhanh chóng của người tiêu dùng sang các nền tảng nội dung như TikTok Shop là một tín hiệu quan trọng, buộc các sàn TMĐT truyền thống phải định hình lại chiến lược phát triển”.
![]() |
Tiki và Sendo chiếm doanh số (GMV) quá nhỏ để ghi nhận tính toán |
Dự báo quý II/2025, tổng GMV toàn thị trường có thể đạt 116.600 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với quý I. Số lượng đơn hàng ước đạt 1,112 tỷ sản phẩm tăng 17% nhờ các đợt khuyến mãi giữa năm và xu hướng tiêu dùng trực tuyến ngày càng phổ biến.
Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc kinh doanh cấp cao tại Kantar Worldpanel Vietnam cho biết đến cuối năm 2024, có 60% hộ gia đình ở thành thị và 42% hộ nông thôn mua hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) qua mạng. So với năm 2019, tỷ lệ này đã tăng mạnh từ mức 29% ở thành thị và 11% ở nông thôn. “TMĐT không chỉ bùng nổ ở đô thị mà còn tăng trưởng nhanh chóng ở vùng nông thôn. Mức độ khuyến mãi cũng ngày càng hấp dẫn hơn”, bà nhận định.
Trước xu thế mới, các sàn TMĐT phải liên tục điều chỉnh chiến lược để không bị tụt lại. Shopee gần đây đã ra mắt loạt chương trình phát sóng dài kỳ từ giữa tháng 4, nhằm quảng bá sản phẩm nội địa và nông sản đặc trưng vùng miền. Các nền tảng cũng tiếp tục đầu tư vào logistics, công nghệ cá nhân hóa và livestream để cải thiện trải nghiệm mua sắm và tăng tỷ lệ chốt đơn.
Một số sàn chọn hướng đi khác để tránh cạnh tranh trực diện. Đầu tháng 3, Sendo thông báo chuyển đổi sang mô hình chuyên về nông sản và thực phẩm dưới thương hiệu Sendo Farm, áp dụng từ ngày 15/4.
Với nhà bán hàng, thị trường hiện tại thực sự là cuộc chiến sinh tồn. Metric thống kê rằng trong quý I, số lượng shop có đơn hàng đã giảm tới 38.000, nhưng số shop có doanh số trên 50 tỷ đồng lại tăng 95%. Điều này cho thấy sự phân hóa ngày càng rõ nét: các nhà bán lớn tiếp tục vươn lên, trong khi nhiều shop nhỏ lẻ dần rút lui khỏi thị trường.
Trên Shopee, các shop nước ngoài hiện chiếm 5,9% thị phần và tiếp tục tăng trưởng nhờ lợi thế về giá. Với mức giá trung bình chỉ hơn 45.000 đồng một sản phẩm, các shop quốc tế đã bán hơn 80 triệu sản phẩm tăng 7% về số lượng và 12% về doanh thu.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định: “Thị trường đang ngày càng khốc liệt hơn với sự gia nhập của nhiều đối thủ trong đường đua livestream. Doanh nghiệp phải giữ vững chất lượng sản phẩm, chăm sóc khách hàng tốt và biết cách quảng bá hấp dẫn thì mới có thể tồn tại”.