Bloomberg đưa tin, Chủ tịch tập đoàn Microsoft Brad Smith vừa mới đây đã công bố kế hoạch đầu tư 3,2 tỷ euro (khoảng 3,4 tỷ USD) trong 2 năm tới vào cơ sở hạ tầng AI của Đức tại một sự kiện với Thủ tướng Đức, ông Olaf Scholz.

Động thái cho thấy gã khổng lồ công nghệ đang tìm cách xây dựng cơ sở của mình ở châu Âu.

Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Scholz ở Berlin hôm 15/2, Smith tiết lộ: “Các công ty Đức đang nhanh chóng điều chỉnh những công nghệ liên quan đến AI. Chúng tôi dự định sẽ mở rộng các trung tâm xử lý dữ liệu của mình trong khu vực này”.

Sau thành công của ChatGPT, Microsoft bắt đầu đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng đám mây và trung tâm dữ liệu với mong muốn trở thành một cường quốc về AI thông qua quan hệ đối tác với OpenAI.

Sự lạc quan về chiến lược và tầm nhìn đã đưa vốn hóa thị trường của Microsoft lên hơn 3 nghìn tỷ USD, vượt qua Apple để trở thành công ty có giá trị nhất thế giới.

Theo Smith, khoản đầu tư trực tiếp lớn nhất của Microsoft vào Đức được dùng để xây dựng các trung tâm dữ liệu mới ở bang North Rhine-Westphalia và xung quanh thành phố Frankfurt. Ngoài ra, số tiền này cũng sẽ được sử dụng để đào tạo nhân viên. Vị Chủ tịch khẳng định: “Không có bất kỳ sự trợ cấp Nhà nước nào liên quan đến việc đầu tư này”.

Microsoft mạnh tay chi gần 4 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng phục vụ cho AI của Đức
Microsoft đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng đám mây và trung tâm dữ liệu. Ảnh: Bloomberg

Bối cảnh đầu tư diễn ra khi các cơ quan quản lý châu Âu thúc đẩy các công ty địa phương nhanh chóng lưu trữ và quản lý dữ liệu của họ trong khối do những lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật. Theo số liệu của Global Data, tổng số tiền cho dự án xây dựng trung tâm dữ liệu của châu Âu đạt 82 tỷ USD, chỉ đứng sau Mỹ.

Microsoft là nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn thứ 2 sau Amazon. Quý trước, doanh số dịch vụ đám mây Azure của hãng đã tăng 30%.

Thủ tướng Đức Scholz cho biết: “Khoản đầu tư này cũng là thực tế chứng minh cho thấy Đức vẫn là một quốc gia cởi mở với nguồn đầu tư bên ngoài”.

Đồng thời ông nhấn mạnh một số dự án khác của Đức đã được các công ty công nghệ nước ngoài lên kế hoạch.

Nhiều nhà phân tích nhận định ông Scholz đang cố gắng định vị Đức là một trung tâm công nghệ lớn. Ông đã đồng ý trợ cấp hàng tỷ euro cho các công ty như TSMC của Đài Loan (Trung Quốc), tập đoàn Intel và Infineon Technologies AG để thúc đẩy sản xuất chip.