Chân gà – hay còn gọi dân dã là “cẳng gà” – từng bị xem là bộ phận ít giá trị trong ẩm thực. Trước kia, nhiều người chỉ dùng chân gà để nấu nước lèo hoặc bỏ đi, do phần này không có nhiều thịt, lại nhiều gân và da. Thế nhưng theo thời gian, khẩu vị người tiêu dùng thay đổi, món ăn này bất ngờ “lên đời” trở thành đặc sản khoái khẩu, được yêu thích từ vỉa hè đến nhà hàng.

Chân gà 'lên đời': Từ phần 'thừa' bị bỏ đi đến đặc sản gây nghiện từ bàn nhậu đến nhà hàng

Giòn sần sật, đậm đà dinh dưỡng

Chân gà có cấu tạo đặc biệt với lớp da dai giòn, bao quanh phần mô và sụn, tạo nên cảm giác giòn sần sật, càng nhai càng “bắt vị”. Không giống thịt gà nạc vốn mềm và đơn điệu, chân gà lại mang đến trải nghiệm “ăn vui miệng”, đặc biệt khi kết hợp cùng gia vị.

Về mặt dinh dưỡng, chân gà giàu collagen, protein, canxi và các axit amin, tốt cho xương khớp, da và móng. Khi nấu, các chất này dễ tan vào nước, góp phần tạo nên vị ngọt thanh và đậm đà cho món ăn.

Giá bình dân, chế biến linh hoạt

Tại các chợ truyền thống, chân gà công nghiệp hiện có giá khoảng 50.000 – 70.000 đồng/kg, còn chân gà ta dao động từ 80.000 – 120.000 đồng/kg, tùy theo kích cỡ và độ tươi ngon. Trong khi đó, một đĩa chân gà chế biến sẵn tại quán ăn, nhà hàng thường có giá từ 70.000 – 100.000 đồng – mức giá khá “mềm” so với độ hấp dẫn của món ăn.

Với ưu điểm dễ tẩm ướp, dễ “ngấm” gia vị, chân gà có thể chế biến đa dạng: luộc, hấp, nướng, chiên, ngâm mắm… Mỗi cách lại mang đến một hương vị riêng, chiều lòng đủ kiểu khẩu vị.

Chân gà 'lên đời': Từ phần 'thừa' bị bỏ đi đến đặc sản gây nghiện từ bàn nhậu đến nhà hàng

Phổ biến nhất hiện nay là món chân gà sả tắc, nhờ hương vị tươi mát, chua chua cay cay và màu sắc bắt mắt. Chân gà sau khi luộc được ngâm cùng nước mắm pha, sả, tắc, ớt và tỏi – tạo nên món ăn vừa giòn vừa đậm vị.

Trong khi đó, chân gà nướng muối ớt lại là món “ruột” của dân nhậu. Chân gà được tẩm ướp kỹ, nướng trên than hồng cho lớp da cháy cạnh, thơm nức, cay nồng, ăn hoài không ngán.

Nếu thích món nhẹ nhàng, chân gà hấp hành là lựa chọn lý tưởng: chân mềm, thơm dịu mùi hành lá và gừng, thích hợp để thưởng thức vào buổi tối. Chân gà chiên nước mắm lại là “cực phẩm” với lớp da giòn rụm, thấm đều nước mắm ngọt mặn, ăn cùng cơm hay lai rai đều ngon.