Ngày 23/4, cổ phiếu SBS của CTCP Chứng khoán SBS tăng trần (+14,29%), lên 5.600 đồng/cp. Tính đến 10h15, thanh khoản đạt 4,9 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 27,4 tỷ đồng. Cổ phiếu trắng bên bán, với hơn 2 triệu đơn vị được kê mua ở giá trần. Phiên trước đó, SBS cũng tăng trần, đưa vốn hóa công ty tăng gần 30%, lên 821 tỷ đồng chỉ sau 2 phiên giao dịch.
SBS trở thành tâm điểm chú ý ngay sau khi Sacombank công bố tờ trình ĐHĐCĐ vào ngày 22/4, đề xuất kế hoạch chi 1.500 tỷ đồng để thâu tóm hơn 50% cổ phần tại một công ty chứng khoán.
Lý do là bởi hoạt động ngân hàng đầu tư đang trở thành xu thế, tạo ra nguồn thu nhập lớn cho hệ thống ngân hàng toàn cầu và tại Việt Nam. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm tài chính toàn diện cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân cao cấp, một số ngân hàng thương mại cổ phần trong nước đã và đang triển khai hiệu quả chiến lược sở hữu các công ty chứng khoán. Do đó, Sacombank muốn đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Vì sao SBS được quan tâm?
Chứng khoán SBS được thành lập năm 2006, tiền thân là Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín do Sacombank sở hữu, sau đó đổi tên thành như hiện tại vào năm 2022. Công ty từng nằm trong top 5 thị phần môi giới tại HoSE và là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường vào năm 2007. SBS cũng là một trong những đơn vị tiên phong mở rộng hoạt động ra nước ngoài khi thành lập công ty con tại Lào, Campuchia và Singapore.
![]() |
SBS từng nằm trong top 5 công ty chứng khoán thị phần lớn nhất sàn HoSE |
Trong thời kỳ hoàng kim, SBS từng ghi nhận mức lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, việc vay nợ, đầu tư tài chính thiếu thận trọng và hoạt động tự doanh quá lớn đã đẩy doanh nghiệp vào chuỗi thua lỗ nặng nề trong giai đoạn 2011 - 2012.
Cụ thể, SBS báo lỗ tới 1.652 tỷ đồng trong năm 2011 và lỗ thêm 138 tỷ đồng vào năm 2012, chủ yếu do thua lỗ từ hoạt động kinh doanh chứng khoán, chi phí trả lãi trái phiếu phát hành và trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán. Tính đến cuối năm 2012, công ty lỗ lũy kế 1.767 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ 1.266 tỷ đồng. SBS vì vậy bị UBCKNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Từ năm 2011, Sacombank đã không còn là công ty mẹ của SBS và sau đó liên tục thoái vốn khỏi công ty chứng khoán này. Đến cuối tháng 7/2021, Sacombank từng có thông báo về việc muốn thoái toàn bộ vốn khỏi SBS nhằm thực hiện chiến lược cơ cấu lại các khoản đầu tư không hiệu quả và tăng cường nguồn thu. Hiện tại, Sacombank chỉ còn nắm giữ 13,78% cổ phần tại SBS.
SBS đang làm ăn ra sao?
![]() |
Nguồn: Tổng hợp |
SBS khép lại năm 2024 với doanh thu 124,7 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi cho vay margin (73,3 tỷ đồng) và phí môi giới chứng khoán (42,4 tỷ đồng). Tuy nhiên, công ty phải gánh chịu nhiều khoản chi phí lớn như chi phí hoạt động (73,8 tỷ đồng), lãi vay (37,9 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (89,1 tỷ đồng). Kết quả, SBS ghi nhận mức lỗ sau thuế 70,9 tỷ đồng. Trong quý I/2025, tình hình không khả quan hơn khi công ty tiếp tục báo lỗ 45 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của SBS chỉ còn 286 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với đầu năm, chủ yếu do doanh nghiệp đã bán bớt tài sản tự doanh và thu hẹp hoạt động cho vay margin.
Tương ứng với đó, nợ phải trả cũng giảm mạnh 75%, còn 57,9 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 228,1 tỷ đồng, công ty vẫn đang gánh khoản lỗ lũy kế lên tới 1.487 tỷ đồng.