Việt Nam – nhà xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới – đã ghi nhận quý đầu năm 2025 đầy biến động với giá xuất khẩu tăng vọt, trong khi thị trường Mỹ – khách hàng lớn nhất – đang đặt ra rủi ro mới về thuế quan.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), tính đến hết quý I/2025, Việt Nam đã xuất khẩu 47.000 tấn hồ tiêu (bao gồm cả tiêu đen và tiêu trắng), mang về 330 triệu USD, tăng mạnh 38,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, dù sản lượng có phần giảm.

Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng này tăng mạnh với tiêu đen đạt 6.700 USD/tấn, tăng 94,9% và tiêu trắng đạt 6.800 USD/tấn, tăng 73,9%

Mức giá cao kỷ lục này phản ánh nhu cầu tăng tại các thị trường lớn và nguồn cung toàn cầu bị hạn chế, đồng thời mang lại kỳ vọng lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu về lợi nhuận và khả năng tái đầu tư vào chất lượng sản phẩm.

'Vàng đen' của ngành nông sản Việt lập kỷ lục xuất khẩu: Giá tăng gần gấp đôi, đối mặt thách thức thuế quan tại Mỹ
Nguồn: Agromonitor.vn

Tại thị trường trong nước, giá tiêu ngày 21/4 ổn định ở mức 155.000 đồng – 156.000 đồng/kg. Giá tiêu tại hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk hiện đang được thu mua ở mức cao nhất cả nước, đạt 156.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các địa phương khác như Gia Lai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước và Đồng Nai, mặt bằng giá tiêu giữ ổn định ở mức 155.000 đồng/kg.

'Vàng đen' của ngành nông sản Việt lập kỷ lục xuất khẩu: Giá tăng gần gấp đôi, đối mặt thách thức thuế quan tại Mỹ
Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ giatieu.com

Mỹ hiện chiếm tới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam, với Việt Nam là nhà cung cấp lớn nhất, đóng góp đến 77% lượng hồ tiêu nhập khẩu vào quốc gia này.

Tuy nhiên, rủi ro lớn đang đến gần khi Mỹ đang xem xét áp thuế đối ứng lên tới 46% với Việt Nam. Nếu chính sách này được áp dụng, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ bị đe dọa, nhất là khi các nước đối thủ như Brazil (10%), Indonesia (32%) hay Malaysia (24%) đang có mức thuế thấp hơn đáng kể.

Trước nguy cơ mất thị phần tại Mỹ, bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch VPSA – nhấn mạnh, Việt Nam đã cam kết giảm thuế hàng hóa Mỹ về 0% và kỳ vọng được đối xử tương xứng. Tuy nhiên, kết quả đàm phán còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chính trị và thương mại.

Nếu kịch bản xấu xảy ra, ngành hồ tiêu sẽ không “mất trắng”, nhưng việc giữ vững thị phần hơn 20% tại thị trường Mỹ là vô cùng khó khăn. Do đó, ngành buộc phải tái phân bổ sản lượng, chuyển hướng sang các thị trường tiềm năng khác như EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông – dù mỗi thị trường đều có những rào cản kỹ thuật riêng.

“Nếu không giữ được một thị trường, chúng ta cần nhanh chóng chuyển hướng sang thị trường khác. Dù hiện tại còn nhiều biến động, nhưng ngành vẫn có cơ sở để hy vọng và tiếp tục nỗ lực giữ vững vị thế”, bà Liên khẳng định.

Bên cạnh thách thức, giá xuất khẩu tăng cao cũng là tín hiệu tích cực, tạo thêm nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đạt chuẩn bền vững quốc tế.

Theo VPSA, việc đa dạng hóa dòng sản phẩm, chuyển đổi từ hàng thô sang hàng giá trị gia tăng là con đường tất yếu nếu ngành hồ tiêu muốn duy trì vị thế hàng đầu trên bản đồ thương mại toàn cầu và tăng giá trị xuất khẩu lâu dài.

Hồ tiêu – “vàng đen” của ngành nông sản Việt – đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc toàn diện. Trong bối cảnh giá tăng mạnh nhưng rủi ro thương mại ngày càng lớn, sự linh hoạt trong định hướng thị trường và cải tiến sản phẩm sẽ là yếu tố then chốt để duy trì đà tăng trưởng và bảo vệ sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ nông dân trồng tiêu trên cả nước.