Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong tháng 4/2025 đạt 2,2 tỷ USD, tăng 16,9% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 7,6 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ tiếp tục giữ vững vai trò là thị trường lớn nhất của ngành, với tổng giá trị nhập khẩu từ Việt Nam lên đến hơn 2,8 tỷ USD, tăng 17,4%. Các thị trường trọng điểm tiếp theo là Hà Lan (hơn 590 triệu USD, tăng 20%) và Trung Quốc (gần 495 triệu USD, giảm 12%).
Việt Nam hiện xuất khẩu giày dép sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ các thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản, Anh đến những điểm đến mới như Nam Mỹ và Trung Đông. Thành công này đến từ việc các doanh nghiệp trong ngành đã tích cực tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP và UKVFTA.
![]() |
Sản phẩm giày da của Việt Nam hiện có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh minh họa |
Năm 2024, ngành da giày từng đối mặt với nhiều thử thách: chi phí đầu vào tăng, áp lực giảm giá từ đối tác, yêu cầu cao về chất lượng và tiêu chuẩn bền vững. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt ở các nhà máy gia công lớn, cùng chi phí logistics leo thang cũng gây không ít trở ngại.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, đổi mới quy trình sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đầu tư vào chuỗi cung ứng bền vững. Nhờ đó, toàn ngành đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 27,04 tỷ USD trong năm 2024, tăng 11,45% so với năm 2023. Với sản lượng khoảng 1,4 tỷ đôi/năm, Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu giày dép, chiếm khoảng 10% thị phần toàn cầu.
![]() |
Năm nay, ngành giày da đặt mục tiêu xuất khẩu 29 tỷ USD. Ảnh minh họa |
Dựa trên đà phục hồi hiện tại, ngành da giày Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 29 tỷ USD trong năm 2025, tăng 10% so với năm trước. Trong đó, dòng sản phẩm chủ lực giày thể thao được kỳ vọng tiếp tục đóng vai trò động lực chính. Đây là phân khúc có sức tiêu thụ cao trên thị trường quốc tế, đặc biệt tại Mỹ, EU và Nhật Bản.
Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp đang triển khai nhiều chiến lược đồng bộ. Một mặt, tăng tốc chuyển đổi xanh trong sản xuất, từ việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường đến cải tiến hệ thống xử lý nước thải, khí thải. Mặt khác, tăng cường đầu tư vào công nghệ tự động hóa, thiết kế sản phẩm theo hướng sinh thái và minh bạch hóa chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế, nhất là EU.
Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm giày dép cũng là ưu tiên mới. Không chỉ sản xuất gia công, Việt Nam đang từng bước đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu riêng, gia tăng giá trị và vị thế của ngành trên bản đồ thời trang toàn cầu.