Quy định mới về chào bán chứng khoán

Theo dự thảo, có 4 hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng:

Một là, chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng, bao gồm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để huy động thêm vốn cho tổ chức phát hành; chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng thông qua thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không làm tăng vốn điều lệ của tổ chức phát hành.

Hai là, chào bán thêm chứng khoán ra công chúng, bao gồm công ty đại chúng chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ; công ty quản lý quỹ chào bán thêm chứng chỉ quỹ ra công chúng để tăng vốn điều lệ của quỹ đầu tư.

Ba là, cổ đông chào bán cổ phiếu sở hữu trong các công ty đại chúng ra công chúng.

Bốn là, tổ chức phát hành chào bán trái phiếu và các loại chứng khoán khác ra công chúng.

3629-chao-ban-ra-cong-chung
Hình minh họa

So với quy định hiện hành, quy định về chào bán trong Luật Chứng khoán mới và dự thảo Nghị định được đánh giá là có nhiều thay đổi.

Một trong những quy định mới đáng chú ý là Luật Chứng khoán 2019 cho phép chào bán chứng khoán dưới mệnh giá trong trường hợp giá chứng khoán của tổ chức phát hành trên hệ thống giao dịch chứng khoán thấp hơn mệnh giá, với điều kiện doanh nghiệp có thặng dư vốn cổ phần căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán đủ bù đắp phần thặng dư âm phát sinh do chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá.

Quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ cũng có phần chặt chẽ hơn, theo đó, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư chiến lược mới có thể tham gia các đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ.

Đối với chào bán chứng khoán ra công chúng, Luật đã nâng điều kiện về vốn điều lệ của tổ chức phát hành lên tối thiểu 30 tỷ đồng, thay vì 10 tỷ đồng như hiện tại cho phù hợp với quy định về công ty đại chúng.

Cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Tổ chức chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng phải đưa chứng khoán phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán, chứ không còn thời hạn 1 năm như hiện tại.

Đối với chứng khoán chào bán riêng lẻ, Luật giới hạn giá trị cổ phiếu phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ trường hợp có bảo lãnh phát hành với cam kết nhận mua toàn bộ cổ phiếu của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số cổ phiếu còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành, phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành để hoán đổi, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp.

Chào bán dự án có thể bị hủy

Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát nội bộ, Công ty Chứng khoán SSI lưu ý, điều kiện chào bán ra công chúng có quy định, đối với đợt chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành, cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư phải đạt tối thiểu là 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán.

Tổ chức phát hành phải có phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án.

Trong trường hợp đợt chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng không đáp ứng được điều kiện về huy động đủ phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành, đợt chào bán sẽ bị hủy bỏ.

Quy định này chỉ áp dụng cho trường hợp tổ chức phát hành chào bán để tài trợ cho dự án, còn chào bán huy động vốn cho các mục đích khác thì không phải áp dụng.

Theo ông Long, nhà làm luật muốn bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp này, khi mà dự án đầu tư không huy động được vốn cần thiết để thực hiện thì khả năng xảy ra rủi ro là cao.

Vấn đề là xử lý hậu quả của việc hủy kết quả chào bán và tổ chức phát hành phải hoàn trả lại tiền cho nhà đầu tư sẽ mất một khoảng thời gian, mất cơ hội sử dụng tiền của nhà đầu tư.

Ngoài ra, giá chào bán ra công chúng cũng ảnh hưởng đến đánh giá của nhà đầu tư đối với tổ chức phát hành và qua đó ảnh hưởng đến xu hướng giao dịch cổ phiếu của tổ chức phát hành đang được niêm yết.

Tiền mà tổ chức phát hành thu của nhà đầu tư trong đợt huy động vốn thì có thể trả lại cho nhà đầu tư, nhưng kỳ vọng tương lai doanh nghiệp, vào giá cổ phiếu đang niêm yết thì khó hoàn lại được như trước.

Về phía tổ chức phát hành, nếu bị hủy đợt phát hành, họ sẽ phải tìm nguồn khác để tài trợ cho dự án, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh.

“Tôi nghĩ, để an toàn cho tổ chức phát hành và cả nhà đầu tư trong trường hợp này, tổ chức phát hành có nhu cầu chào bán cổ phiếu để huy động vốn nên xem xét sử dụng dịch vụ bảo lãnh phát hành theo cam kết chắc chắn của các công ty chứng khoán. Khi đó, công ty chứng khoán cam kết mua hết với tổ chức phát hành sẽ mua số cổ phiếu không được phân phối hết. Tổ chức phát hành có thể yên tâm về kết quả chào bán. Nhà đầu tư mua cổ phiếu chào bán mà có tổ chức bảo lãnh phát hành cũng yên tâm hơn về giá trị chứng khoán được chào bán vì được bên thứ ba thẩm định”, ông Long nói.

Ông Trần Nam Sơn, Giám đốc khối Pháp chế và kiểm soát nội bộ, Công ty Chứng khoán An Bình

Theo Luật Chứng khoán 2019, chỉ có 2 hình thức chào bán là chào bán ra công chúng và chào bán riêng lẻ. Việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông và phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu (cổ phiếu thưởng) của công ty đại chúng là các trường hợp đặc biệt của chào bán ra công chúng. Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định hướng dẫn đang xếp thành mục riêng, không nằm trong mục chào bán ra công chúng. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung và cấu trúc lại để đưa về mục chào bán ra công chúng, hoặc xác nhận rõ các trường hợp phát hành đó cũng thuộc hình thức chào bán ra công chúng (nhưng có thủ tục và điều kiện đặc biệt giản đơn hơn).