VN-Index tiếp tục giảm điểm mạnh vào phiên giao dịch ngày 11/3. Kết phiên, chỉ số đóng tại 1.235,49 điểm, giảm 11,86 điểm (-0,95%). Trước đó, VN-Index có giảm 21,11 điểm (-1,66%) vào phiên ngày 8/3. Như vậy, sau 2 phiên giao dịch, thị trường đã mất 32,97 điểm.

Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 11/3, chỉ số có nhịp hồi phục khá tốt trong buổi sáng, có thời điểm tăng gần 7 điểm. Tuy nhiên, đà bán bắt đầu xuất hiện vào phiên chiều và bán mạnh từ thời điểm 13h40 khi xuất hiện thông tin Ngân hàng Nhà nước chào bán tín phiếu.

Đến cuối giờ chiều, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố thông tin đã hút 15.000 tỷ tín phiếu, với lãi suất trúng thầu 1,4%, kỳ hạn 28 ngày.

Ngân hàng Nhà nước bất ngờ hút 15.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, VN-Index giảm điểm mạnh
Ngân hàng Nhà nước hút 15.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu trong phiên 11/3

Động thái hút tiền đồng thông qua tín phiếu xảy ra khi tỷ giá, đặc biệt là giá USD tự do leo thang trở lại.

Hôm nay, NHNN công bố tỷ giá trung tâm 23.972 đồng, giảm 24 đồng so với cuối tuần trước. Đây cũng là vùng đỉnh của giai đoạn tháng 10/2023 - thời điểm NHNN liên tục hút ròng tiền đồng thông qua tín phiếu để ổn định tỷ giá. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 22.773 - 25.170 đồng.

Ngày 11/3, các điểm thu đổi ngoại tệ tăng mạnh giá bán USD thêm 150 đồng so với hôm qua, lên 25.700 đồng mỗi USD. Chiều mua vào tăng thấp hơn khoảng 30 đồng, lên 25.500 đồng. Như vậy, mỗi USD ngân hàng bán ra đang thấp hơn thị trường tự do gần 900 đồng, còn chiều mua vào thấp hơn khoảng 1.050 đồng.

Ngân hàng Nhà nước bất ngờ hút 15.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, VN-Index giảm điểm mạnh
Diễn biến thị trường khi NHNN phát hành tín phiếu giai đoạn 21/9-8/11/2023

Trước đó, để ổn định tỷ giá, giai đoạn 21/9 - 8/11/2023, NHNN đã phát hành tổng cộng 360.345 tỷ đồng tín phiếu, kỳ hạn 28 ngày. Trùng thời điểm ấy, VN-Index giảm hơn 230 điểm do thiếu dòng tiền và những lo ngại của nhà đầu tư về việc đảo ngược chính sách tiền tệ.

Nhận định về đà tăng "nóng" của tỷ giá thời điểm này, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng có thể liên quan đến diễn biến giá vàng. Theo quan sát, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới càng lớn, áp lực tăng giá của tỷ giá USD/VNĐ càng mạnh, đặc biệt trên thị trường tự do.

Bên cạnh đó, dữ liệu thương mại hai tháng đầu năm nay cho thấy dù thặng dư thương mại tổng thể mở rộng so với cùng kỳ năm trước, thâm hụt thương mại của khu vực trong nước cũng có chiều hướng tăng mạnh. Nhu cầu nhập khẩu của khối trong nước tăng, cũng dẫn đến áp lực mất giá đối với tiền đồng trên thị trường chính thức.

Ngoài ra, chênh lệch dương lãi suất USD và VNĐ tăng trở lại trong những ngày gần đây, ngầm hiểu rằng tác động của hoạt động carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ) lên diễn biến của tiền đồng chưa chấm dứt. Việc lãi suất huy động tiền đồng đang giảm về mức thấp cũng là yếu tố làm tăng tính hấp dẫn đối với các kênh tài sản khác gồm ngoại tệ và vàng.