Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, các chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đang được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh, sinh viên theo học các ngành nghề đặc thù, có tính chất quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội và an ninh quốc gia.

Miễn học phí hoàn toàn cho một số ngành đặc thù

Nghị định quy định rõ: sinh viên theo học chuyên ngành Chủ nghĩa Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ được miễn 100% học phí. Ngoài ra, chính sách này cũng áp dụng với học sinh, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đang theo học các ngành y học đặc biệt như lao, phong, tâm thần, giám định pháp y, pháp y tâm thần và giải phẫu bệnh – tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập, khi học theo chỉ tiêu do Nhà nước đặt hàng.

Đặc biệt, theo Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, sinh viên theo học hai chuyên ngành then chốt là: Truyền nhiễm và Hồi sức cấp cứu sẽ không chỉ được miễn học phí toàn phần mà còn được hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong suốt khóa học – với điều kiện duy trì kết quả học tập và rèn luyện đạt chuẩn học bổng.

Ngành học được được miễn học phí hoàn toàn, sinh viên còn được ‘bỏ túi’ thêm tiền trợ cấp mỗi tháng
Như vậy, sinh viên theo học chuyên ngành Truyền nhiễm và Hồi sức cấp cứu sẽ không chỉ được miễn học phí toàn phần mà còn được hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong suốt khóa học. Ảnh minh hoạ

Không chỉ dừng lại ở khối ngành y tế, Nghị định 81 cùng với các văn bản hướng dẫn liên quan mở rộng diện miễn học phí đến những ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu cao, cũng như các ngành chuyên môn đặc thù phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh.

Danh mục này gồm nhiều ngành nghề đặc thù được đào tạo ở trình độ trung cấp và cao đẳng, trong đó có cả các lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật truyền thống như: Biểu diễn ca kịch Huế, chèo, tuồng, cải lương, dân ca quan họ; Diễn viên múa, biên đạo múa, nhạc công kịch hát dân tộc; Kỹ thuật sơn mài, điêu khắc.

Ngành học được được miễn học phí hoàn toàn, sinh viên còn được ‘bỏ túi’ thêm tiền trợ cấp mỗi tháng
Với sinh viên đang học các ngành: Biểu diễn ca kịch Huế, chèo, tuồng, cải lương, dân ca quan họ; Diễn viên múa, biên đạo múa, nhạc công kịch hát dân tộc; Kỹ thuật sơn mài, điêu khắc cũng được miễn giảm học phí. Ảnh: Tổng hợp

Ngoài ra, nhiều ngành kỹ thuật – công nghiệp có tính chất nặng nhọc, độc hại và đóng vai trò thiết yếu cũng nằm trong diện miễn phí như: Kỹ thuật đóng tàu, khai thác hầm mỏ, xử lý rác thải, xử lý nước thải công nghiệp; Xây dựng cầu đường, công trình thủy điện, cấp thoát nước; Kiểm lâm, kiểm ngư, kỹ thuật ra-đa tàu hải quân; Hộ sinh…

Danh mục chi tiết các ngành nghề được miễn học phí này được nêu rõ trong Thông tư 05/2023 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bao gồm những lĩnh vực được xác định là nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cần được Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích người học theo đuổi.

Cơ hội việc làm cho người học?

Chính sách miễn học phí toàn phần cho các ngành đặc thù không chỉ giúp người học giảm gánh nặng tài chính mà còn mở ra cơ hội tiếp cận giáo dục cho nhiều đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời góp phần giải bài toán nhân lực trong các lĩnh vực đang thiếu hụt trầm trọng.

Với sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ, những ngành nghề từng bị xem là “kén người học” nay đang trở thành lựa chọn chiến lược cho những ai mong muốn vừa có cơ hội nghề nghiệp ổn định, vừa được hỗ trợ tối đa từ chính sách. Đây cũng là một bước đi thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc tái cấu trúc nguồn nhân lực theo hướng cân bằng và phát triển bền vững.