Sau thành công tại Hà Nội vào tháng 6, Xanh SM Ngon – dịch vụ giao đồ ăn trong hệ sinh thái Xanh SM – sẽ chính thức có mặt tại TP. HCM từ ngày 23/7/2025.

Xanh SM tin rằng, nhờ chất lượng tài xế cùng hệ thống hỗ trợ vận hành vượt trội, Xanh SM Ngon sẽ trở thành lựa chọn ưu tiên của khách hàng tại TP. HCM, đồng thời là đối tác đáng tin cậy của nhà hàng trong định hướng kinh doanh lâu dài.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Thanh – Tổng Giám đốc Toàn cầu của GSM (đơn vị sở hữu Xanh SM) – đã chia sẻ trên Facebook cá nhân về khả năng mở rộng sang mảng giao đồ ăn.

"Xanh SM đang nghiên cứu mảng Food – lĩnh vực rất tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển tại Việt Nam. Chúng tôi chào đón các ứng viên tiềm năng có kinh nghiệm xây dựng, vận hành và kinh doanh mảng Food Delivery cùng trao đổi để xem liệu Xanh SM có nên gia nhập thị trường giao đồ ăn hay không", ông Thanh chia sẻ kèm lời mời tuyển dụng nhân sự cấp cao.

Ngày mai, Xanh SM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ triển khai dịch vụ giao đồ ăn tại thị trường 14 triệu dân
Xanh SM Ngon sẽ chính thức có mặt tại TP. HCM từ ngày 23/7/2025. Ảnh: Xanh SM

Theo Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2024, số lượng cửa hàng F&B ước tính đạt 323.010 cửa hàng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. TP. HCM là khu vực sở hữu nhiều hàng quán nhất, chiếm 27,1% (87.535 nhà hàng/café) số lượng trên toàn quốc, Hà Nội đứng ở vị trí thứ hai, chiếm 25,5% (82.367 nhà hàng/café).

Statista (Đức) cho biết, quy mô thị trường giao đồ ăn Việt Nam hiện đạt 2,8 tỷ USD, dự kiến tăng trưởng đều 9,34% mỗi năm, chạm mốc 4,4 tỷ USD vào năm 2030. Đây là “miếng bánh” không thể bỏ qua với bất kỳ nền tảng công nghệ nào.

Dù giàu tiềm năng, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt suốt thời gian qua. Nhiều tên tuổi lớn đã phải rút lui khỏi thị trường như Baemin, Gojek, Loship.

Ngược lại xu hướng đó, ngày 16/6 vừa qua, Xanh SM Ngon – dịch vụ giao đồ ăn thuộc hệ sinh thái GSM chính thức ra mắt tại Hà Nội, đánh dấu bước chuyển mình chiến lược của thương hiệu Xanh SM sau khi đã chiếm lĩnh thị trường gọi xe ô tô điện. GSM cho biết nền tảng đã bắt tay với hơn 2.000 nhà hàng đối tác được tuyển chọn, tập trung vào yếu tố chất lượng và an toàn thực phẩm.

Không chỉ đầu tư vào mạng lưới đối tác, Xanh SM Ngon tung loạt ưu đãi tài chính “sâu”, nhằm thu hút người dùng mới: Giảm giá trực tiếp từ 20.000 đến 90.000 đồng cho đơn hàng; mã giảm giá theo giờ vàng; ưu đãi thêm 15.000-30.000 đồng nếu thanh toán bằng ví điện tử hoặc thẻ ngân hàng liên kết...

Động thái này cho thấy Xanh SM không chỉ muốn chen chân vào thị trường, mà còn định vị lại cách người dùng đánh giá một dịch vụ giao đồ ăn.

Được thành lập vào ngày 6/3/2023 bởi Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, Xanh SM là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực cho thuê phương tiện giao thông xanh và dịch vụ đặt xe điện đa nền tảng.

Sau hơn 2 năm hoạt động tại Việt Nam, Lào, Indonesia và Philippines, Xanh SM đã thực hiện hơn 300 triệu chuyến đi bằng phương tiện thuần điện, với tổng quãng đường đạt 1,7 tỷ km không phát thải.

Tại Việt Nam, Xanh SM đang dẫn đầu thị phần taxi công nghệ với gần 40%, đồng thời hợp tác cùng gần 100 doanh nghiệp vận tải trong lộ trình chuyển đổi xanh. Nhiều tên tuổi lớn như G7 Taxi, Mai Linh, Lado Taxi và Én Vàng đã tham gia; trong đó, 19 doanh nghiệp đã chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện – khẳng định xu hướng giao thông xanh đang trở thành chuẩn mực mới tại các đô thị hiện đại.

Sáng 12/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 với tỷ lệ 461/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Trong đó, Nghị quyết cho biết sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương thành thành phố mới có tên gọi là Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi sắp xếp, Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích tự nhiên là 6.772,59km2, quy mô dân số là 14.002.598 người.