Theo Xanh SM, các doanh nghiệp vận tải truyền thống đang chịu áp lực lớn từ ba yếu tố: Chi phí nhiên liệu, bảo trì và các chính sách về môi trường. Hiện nay, nhiên liệu chiếm khoảng 30-50% tổng chi phí vận hành, trong khi giá xăng dầu liên tục biến động.
Bên cạnh đó, xe sử dụng động cơ xăng có cấu tạo phức tạp với hàng trăm chi tiết dễ hao mòn, dẫn đến chi phí bảo trì cao. Đồng thời, từ năm 2024, các quy định về khí thải, kiểm định và giới hạn xe cũ vào đô thị đang được siết chặt.
Trong bối cảnh này, xe điện không còn đơn thuần là một lựa chọn thay thế, mà đã trở thành giải pháp sống còn. Xe điện có thể giúp doanh nghiệp cắt giảm tới 75% chi phí nhiên liệu, gần như không yêu cầu bảo trì phức tạp, vận hành êm ái và không phát thải. Bên cạnh lợi ích kinh tế, xe điện còn giúp nâng tầm hình ảnh thương hiệu, cải thiện trải nghiệm khách hàng và tăng cường hiệu quả vận hành thông qua dữ liệu theo thời gian thực.
![]() |
Xe điện có thể giúp doanh nghiệp cắt giảm tới 75% chi phí nhiên liệu. Nguồn: Xanh SM |
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Linh, chủ một hãng xe taxi tại Hà Nội, xe điện hiện không còn là câu chuyện của tương lai, mà đã là yêu cầu cấp bách để phát triển. “Khi cân đối giữa các yếu tố chi phí nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng và mức độ hài lòng của khách hàng, tôi biết đây chính là thời điểm cần chuyển đổi sang xe điện cấp tốc. Đợi chính sách tới mới thay đổi là quá muộn”, ông Linh cho hay.
Tính đến tháng 6/2025, Xanh SM đã hợp tác cùng gần 100 doanh nghiệp vận tải trên cả nước, trong đó có nhiều tên tuổi như G7 Taxi, Mai Linh, Lado, Én Vàng... Đáng chú ý, 19 doanh nghiệp đã tái cấu trúc toàn diện mô hình hoạt động và chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện và công nghệ số.
Đặc biệt, ngày 21/6/2025, Xanh SM cùng CTCP Đầu tư CK Việt Nam và V-Green đã ký kết thỏa thuận chiến lược nhằm mở rộng mô hình giao thông thuần điện tại tỉnh Nghệ An. Dự án này bao gồm triển khai 300 xe buýt điện VinFast, 1.000 ô tô điện thương mại và lắp đặt 1.000 trụ sạc trên toàn tỉnh, hướng đến xây dựng một hệ thống giao thông xanh, đồng bộ và hiện đại từ vận tải công cộng đến dịch vụ giao hàng.
Theo báo cáo quý I/2025 của Mordor Intelligence, Xanh SM đang dẫn đầu thị trường taxi công nghệ tại Việt Nam với thị phần 39,85% chỉ sau hai năm hoạt động. Không chỉ là những con số ấn tượng, sự hiện diện của Xanh SM còn góp phần thay đổi diện mạo giao thông tại nhiều địa phương, đồng thời thúc đẩy sự chuyển biến trong nhận thức và thói quen di chuyển của người dân theo hướng bền vững hơn.
Xanh SM được thành lập vào ngày 6/3/2023 bởi Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) Phạm Nhật Vượng, là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực cho thuê phương tiện giao thông xanh và dịch vụ đặt xe điện đa nền tảng.
Sau hai năm hoạt động tại bốn thị trường gồm Việt Nam, Lào, Indonesia và Philippines, Xanh SM đã cùng hàng triệu khách hàng hoàn thành hơn 300 triệu chuyến đi bằng phương tiện thuần điện, với tổng quãng đường lên tới 1,7 tỷ km không phát thải.
Không chỉ thị trường gọi xe, ngày 16/6 vừa qua, Xanh SM Ngon – dịch vụ giao đồ ăn thuộc hệ sinh thái GSM chính thức ra mắt tại Hà Nội, đánh dấu bước chuyển mình chiến lược của thương hiệu Xanh SM sau khi đã chiếm lĩnh thị trường gọi xe ô tô điện. GSM cho biết nền tảng đã bắt tay với hơn 2.000 nhà hàng đối tác được tuyển chọn, tập trung vào yếu tố chất lượng và an toàn thực phẩm.
Không chỉ đầu tư vào mạng lưới đối tác, Xanh SM Ngon tung loạt ưu đãi tài chính “sâu”, nhằm thu hút người dùng mới: Giảm giá trực tiếp từ 20.000-90.000 đồng cho đơn hàng; mã giảm giá theo giờ vàng; ưu đãi thêm 15.000-30.000 đồng nếu thanh toán bằng ví điện tử hoặc thẻ ngân hàng liên kết...
Động thái này cho thấy Xanh SM không chỉ muốn chen chân vào thị trường, mà còn định vị lại cách người dùng đánh giá một dịch vụ giao đồ ăn.