Tại chợ Bà Chiểu, quầy hàng của chị N.T., tiểu thương nhiều năm ở phường Gia Định đại diện cho nét ảm đạm chung. Dù vẫn bày bán đa dạng các loại thịt heo như ba rọi, sườn non, cốt lết… đến gần 11h30 sáng thứ Bảy, quầy hàng vẫn còn nguyên. Theo lời chị, lượng thịt nhập về giảm 30% so với trước, dù hạ giá khoảng 1.000–2.000 đồng/kg, nhưng khách vẫn thưa thớt.

Tương tự, chị Trâm Anh (28 tuổi, cư trú tại Gia Định) cho biết gia đình chị đã tạm ngưng ăn thịt heo trong một tuần qua, chuyển sang dùng nhiều hơn thịt bò và gà cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tại chợ Bàn Cờ (quận 3), một tiểu thương cho biết từ đầu năm đến nay tình hình mua bán đã có chiều hướng chậm lại, và tin về dịch tả heo châu Phi càng khiến lượng khách lui tới sụt giảm nghiêm trọng. Bởi vậy, nhiều tiểu thương phải “ôm” tồn thịt đến cuối ngày mà chưa bán được.

Tiểu thương bán thịt heo tại TP.HCM bị vạ lây vì tả heo châu Phi
Giá thịt heo tại TP.HCM giảm nhưng người mua không mặn mà. Ảnh minh họa

Dữ liệu tại các chợ TP.HCM cho thấy giá thịt heo giảm đáng kể so với trước đó. Giá ba rọi dao động khoảng 160.000 đồng/kg, sườn non khoảng 180.000 đồng/kg, cốt lết chỉ khoảng 120.000 đồng/kg. Thịt heo thương hiệu Vissan được niêm yết từ 90.000 đến 299.000 đồng/kg tùy loại: nọng heo 90.000 đồng, thịt ba rọi 212.000 đồng, nạc bắp giò 225.000 đồng…

Giá heo hơi cũng ghi nhận xu hướng giảm. Tại miền Nam, giá dao động trong khoảng 64.000–66.000 đồng/kg; miền Bắc 63.000–64.000 đồng/kg; miền Trung và Tây Nguyên từ 61.000–66.000 đồng/kg. Đây là tuần thứ hai liên tiếp giá heo hơi đi xuống, chủ yếu do lo ngại dịch lan rộng.

Tiểu thương bán thịt heo tại TP.HCM bị vạ lây vì tả heo châu Phi
Dịch tả heo châu Phi là nguyên nhân chính ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết dù dịch bệnh xuất hiện tại một số hộ nhỏ lẻ, nhưng không lo thiếu nguồn cung. Ông nhấn mạnh các trang trại lớn vẫn duy trì tiêu chuẩn an toàn sinh học, kiểm soát dịch chặt chẽ. Theo ông, nếu có thiếu hụt thì chỉ xảy ra cục bộ và trong thời gian ngắn.

Ông Công khuyến cáo người chăn nuôi nghiêm túc khai báo dịch, tiêu hủy heo bệnh kịp thời, không giấu dịch hoặc “bán tháo” heo bệnh. Đồng thời, việc tuân thủ vệ sinh và tiêm phòng cho đàn heo – bao gồm dịch tả châu Phi, lở mồm long móng và các bệnh phổ biến khác – là điều kiện cần thiết để ngăn chặn dịch tái bùng phát.

Ngày 20/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh thành “theo thẩm quyền tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch”, xử lý dứt điểm ổ dịch và hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại theo quy định. Người dân và cơ quan chức năng bị yêu cầu ngăn chặn mạnh mẽ các hành vi mua bán, vận chuyển heo bệnh, vứt xác heo chết ra môi trường.