Những ngày gần đây, nhiều thông tin cho rằng mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ tăng lên 6% đã khiến không ít người dân, đặc biệt là nhóm lao động tự do, người tham gia theo hộ gia đình, tỏ ra hoang mang. Tuy nhiên, Nghị định 188/2025/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 5/7/2025 đã chính thức dập tắt tin đồn này khi khẳng định: mức đóng BHYT vẫn giữ nguyên ở mức 4,5% lương cơ sở – đúng như quy định trước đây.
Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với nhiều nhóm đối tượng, trong đó có học sinh, sinh viên – lực lượng chiếm hơn 18 triệu người, phần lớn chưa có thu nhập ổn định.
Tại Khoản 5, Điều 6 Nghị định số 188/2025/NĐ-CP quy định mức đóng của nhóm đối tượng tự đóng BHYT là vẫn giữ nguyên mức đóng bằng 4,5% lương cơ sở bao gồm:
Người thuộc hộ gia đình tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình; người sinh sống và làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo; người lao động trong thời gian nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động; người không thuộc các trường hợp quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này.
Cơ chế giảm trừ vẫn được giữ nguyên cho hộ gia đình cùng tham gia BHYT trong năm tài chính. Người thứ nhất đóng bằng 4,5% lương cơ sở, người thứ 2, 3, 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Lương cơ sở hiện là 2.340.000 đồng. Như vậy, người thứ nhất trong hộ gia đình vẫn đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở (1.263.600 đồng/năm, tương đương 105.000 đồng/tháng). Người thứ hai 884.520 đồng/năm, những người còn lại lần lượt đóng 758.160 đồng, 631.800 đồng và 505.440 đồng.
Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên; người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản... Trước đây mức hỗ trợ là 30%.
Với mức hỗ trợ này, học sinh sinh viên còn đóng 52.650 đồng/tháng, giảm 21.060 đồng so với trước. Trong báo cáo đánh giá tác động chính sách, Bộ Y tế dự kiến nguồn ngân sách nhà nước tăng thêm 3.700 tỷ đồng để nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ 30% lên 50% cho học sinh.
![]() |
BHYT giữ nguyên mức đóng 4,5% lương cơ sở, tăng mạnh hỗ trợ từ ngân sách (Ảnh minh họa) |
Nghị định cũng quy định mức hỗ trợ ngân sách của Nhà nước bao gồm: Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú trên địa bàn các xã nghèo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác của các cơ quan có thẩm quyền.
Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với đối tượng quy định tại Khoản a, Điểm 4, Điều 12 của Luật BHYT; hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với đối tượng quy định tại Điểm g, Khoản 4, Điều 12 của Luật BHYT. Thời gian hỗ trợ 36 tháng kể từ thời điểm xã nơi đối tượng sinh sống không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT đối với đối tượng quy định tại Điểm i, Khoản 4, Điều 12 của Luật BHYT. Thời gian hỗ trợ là 1 năm kể từ khi đối tượng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là nạn nhân theo quy định của Luật Phòng chống mua bán người.
Hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT đối với đối tượng quy định tại các Điểm b, c, đ, e và h, Khoản 4, Điều 12 của Luật BHYT. Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT đối với đối tượng quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều 12 của Luật BHYT và Khoản 4, Điều 5 của Nghị định này.
Nghị định 188 có hiệu lực từ ngày 15/8/2025, một số điều khoản áp dụng từ ngày 1/7/2025.
Tính đến hết năm 2024, hơn 95,52 triệu người Việt tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 94,2% dân số. Năm ngoái, cả nước có 186,2 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú, số tiền đề nghị thanh toán gần 143.000 tỷ đồng (tăng 18.685 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023). Đến cuối năm 2024, Quỹ Bảo hiểm y tế kết dư 47.600 tỷ đồng.