Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua huy động vốn đã tăng trưởng khá tốt, cao hơn so với nhiều năm trước. Tuy nhiên, tốc độ huy động vẫn thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng, thường chỉ bằng một nửa. Sáu tháng đầu năm 2025, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 9,9%. Đây là mức tăng trưởng cao, dẫn đến việc huy động vốn cũng tăng lên là điều dễ hiểu.

Ông Quang cũng chia sẻ rằng nhiều người thắc mắc việc huy động vốn tăng nhanh, người dân gửi nhiều tiền vào ngân hàng liệu có phải do nền kinh tế khó khăn, suy thoái. Tuy nhiên, ông khẳng định huy động vốn chỉ là một chỉ tiêu phản ánh tình hình của ngành ngân hàng, không phải chỉ báo cho toàn bộ kinh tế vĩ mô. Để đánh giá đúng sức khỏe nền kinh tế cần xem xét thêm các chỉ số khác như PMI, CPI, tăng trưởng bán lẻ…

Trên thực tế, ông Quang cho rằng khi người dân, doanh nghiệp được vay vốn, khoản tiền đó sau khi giải ngân sẽ nhanh chóng quay lại hệ thống ngân hàng thông qua các giao dịch, thanh toán, từ đó hình thành tiền gửi. Ví dụ, một doanh nghiệp A vay tiền ngân hàng để trả cho nhà cung cấp B, thì số tiền này lại được chuyển vào tài khoản ngân hàng của B. “Đây chính là chức năng tạo tiền của ngân hàng thương mại,” ông Quang nhấn mạnh.

Theo số liệu mà Ngân hàng Nhà nước mới công bố, đến cuối tháng 4/2025, tổng tiền gửi khách hàng tại hệ thống các tổ chức tín dụng đã vượt mốc 15 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi dân cư đạt hơn 7,5 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với cuối năm 2024, đồng thời đánh dấu 15 tháng liên tiếp tăng trưởng dương. So với cùng kỳ, tiền gửi của dân cư đã tăng tới 12,8%. Riêng tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 7,62 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ 0,55% so với cuối năm 2024 nhưng vẫn cao hơn 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, tiền gửi vào ngân hàng tiếp tục tăng mạnh dù lãi suất huy động vẫn ở mức thấp. Hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trên thị trường phổ biến chỉ khoảng 5-6%/năm đối với các khoản dưới 1 tỷ đồng. Theo khảo sát gần đây của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng dự kiến mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VNĐ sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong quý II/2025, nhất là lãi suất cho vay. Đến cuối năm 2025, lãi suất huy động và cho vay dự báo cơ bản sẽ không thay đổi nhiều so với cuối 2024.

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 4% trong quý III, trong đó vốn VNĐ tăng 4,4% và ngoại tệ tăng 2,5%. Dư nợ tín dụng được kỳ vọng tăng 4,7%, tín dụng bằng VNĐ tăng tương ứng 4,7% và tín dụng bằng ngoại tệ tăng 4,8%.

Tại cuộc điều tra mới đây, các ngân hàng đã điều chỉnh tăng nhẹ kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2025 lên mức 16,8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng thực tế của năm 2024. Đồng thời, các ngân hàng cũng tiếp tục nâng kỳ vọng tăng trưởng huy động vốn lên mức 13,9%. Nếu đạt được, đây sẽ là tốc độ tăng huy động vốn theo năm cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Như vậy, trong bối cảnh tín dụng được đẩy mạnh, tiền sau khi đến tay người vay cũng nhanh chóng quay lại hệ thống ngân hàng qua các giao dịch mua bán, thanh toán, trở thành nguồn tiền gửi mới. Đây chính là dòng tuần hoàn vốn tự nhiên của nền kinh tế mà hệ thống ngân hàng giữ vai trò dẫn dắt.