Khi các nhà bán lẻ Mỹ như Walmart và Costco đổ xô tìm kiếm nguồn cung ứng mới để tránh thuế quan cao từ Trung Quốc và Bangladesh, ngành dệt may Ấn Độ – đặc biệt là thành phố Tiruppur, trung tâm sản xuất đồ lót và áo thun – đang đối mặt với một cơ hội hiếm có. Tuy nhiên, thực tế tại các nhà máy như Raft Garments lại cho thấy một nghịch lý: đơn hàng tăng nhưng dây chuyền may vẫn “đắp chiếu” vì thiếu lao động.
“Ngay cả khi có đơn hàng, chúng tôi vẫn không đủ lao động để thực hiện,” ông R.K. Sivasubramaniam, Giám đốc điều hành Raft Garments, chia sẻ. Doanh nghiệp của ông hiện cung cấp các sản phẩm có giá chỉ từ 1 USD cho các thương hiệu Mỹ, nhưng đang vật lộn để mở rộng sản xuất vì khan hiếm lao động có tay nghề.
Theo dữ liệu dự báo năm 2025, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đông dân nhất trên thế giới với tổng dân số ước tính đạt khoảng 1.45 tỷ người nhưng lao động có trình độ tay nghề vẫn chưa đủ để đáp ứng những đơn hàng khổng lồ.
Cơ hội lớn từ thuế quan – nhưng liệu Ấn Độ có đủ sức tận dụng?
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến áp mức thuế 26% với hàng dệt may Ấn Độ từ tháng 7 – thấp hơn đáng kể so với mức 37% với Bangladesh, 46% với Việt Nam và 145% với Trung Quốc. Đây là cơ hội vàng để Ấn Độ gia tăng thị phần tại thị trường Mỹ, vốn đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, dù chi phí nhập khẩu trung bình từ Ấn Độ sau thuế chỉ nhỉnh hơn Bangladesh (4,31 USD/m2 so với 4,24 USD), lợi thế này có nguy cơ bị đánh mất do thiếu quy mô sản xuất lớn và giá thành cao hơn.
“Tại Bangladesh, một nhà máy thường có ít nhất 1.200 công nhân, còn ở Ấn Độ chỉ khoảng 600–800”, ông Mithileshwar Thakur từ Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu May mặc Ấn Độ cho biết.
![]() |
1 nhà xưởng ở Ấn Độ chỉ có khoảng khoảng 600–800 công nhân. Ảnh minh hoạ |
Tiruppur, nơi chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trị giá 16 tỷ USD của Ấn Độ, cần thêm ít nhất 100.000 lao động để đáp ứng nhu cầu, theo ông Kumar Duraiswamy, đại diện Hiệp hội Xuất khẩu địa phương. Việc đào tạo mất nhiều thời gian, trong khi lao động thường bỏ việc sau vài tháng để chuyển sang các xưởng nhỏ không chính thức – nơi trả lương cao hơn và cho phép làm việc nhiều giờ hơn.
Một số doanh nghiệp như Cotton Blossom đã chủ động thiết lập các trung tâm đào tạo tại các bang xa, nơi có nguồn lao động dồi dào. Tuy nhiên, việc giữ chân họ lâu dài vẫn là thách thức.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang đẩy mạnh chương trình đào tạo 300.000 lao động ngành dệt may. Song, trong bối cảnh 90% lực lượng lao động của Ấn Độ làm việc trong khu vực phi chính thức, vấn đề thiếu hụt nhân lực có kỹ năng vẫn là trở ngại lớn đối với tham vọng “Make in India”.
Áp lực cạnh tranh từ giá thành sản xuất thấp của Bangladesh
Dù các thương hiệu Mỹ đang tích cực tìm hiểu thị trường Ấn Độ – với gần 60% doanh nghiệp trong khảo sát của Hiệp hội Thời trang Hoa Kỳ cho biết sẽ mở rộng mua hàng từ nước này – nhưng giá cả vẫn là rào cản lớn.
Chi phí lao động hàng tháng tại Ấn Độ là 180 USD, cao hơn Bangladesh (139 USD) và thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (514 USD), theo công ty tư vấn Avendus Spark. Thêm vào đó, các quy định nghiêm ngặt về thời gian làm thêm và điều kiện lao động tại Ấn Độ cũng khiến giá thành sản xuất cao hơn.
Tại nhà máy Raft Garments, ông Sivasubramaniam cho biết một đơn hàng sắp tới lên tới 3 triệu sản phẩm – gấp đôi công suất hiện tại – sẽ buộc doanh nghiệp phải mở rộng. “Một đơn hàng như vậy là quá lớn với chúng tôi”, ông thừa nhận.
Dữ liệu từ Ocean Audit cho thấy Walmart đã nhập khẩu 1.100 container hàng tiêu dùng và quần áo từ Ấn Độ chỉ trong khoảng thời gian từ 2/4 đến 4/5 – gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giá cả giữa nhà bán lẻ Mỹ và doanh nghiệp Ấn Độ vẫn diễn ra căng thẳng.
Tại Balu Exports, một nhà cung cấp cho Walmart, ông Mahesh Kumar Jegadeesan cho biết phía Mỹ nói rõ: “Chúng tôi sẽ không nhượng bộ về giá”. Các thương hiệu chỉ chuyển đơn hàng nếu doanh nghiệp Ấn Độ có thể cạnh tranh ngang bằng về chi phí.
Nụ cười của ông Sivasubramaniam nhanh chóng vụt tắt sau khi nói đến 14 đơn hỏi hàng gần đây. “Ai cũng muốn chúng tôi bán với giá như Bangladesh. Giá cả là vấn đề rất lớn”, ông chia sẻ.