Trong một talkshow gần đây, khi được hỏi về triển vọng của các ngành trong những tháng cuối năm 2022, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán VNDirect cho biết 3 nhóm ngành sẽ có sự tăng trưởng vượt trội. Thứ nhất là nhóm cổ phiếu có tính chất phòng thủ (điện nước, phân phối gas, bảo hiểm); thứ hai là nhóm được hưởng lợi từ việc nền kinh tế bình thường trở lại sau đại dịch (bán lẻ, vận tải); thứ ba là dầu khí khi giá dầu đang có sự tăng trưởng tích cực.

Trong bối cảnh thị trường điều chỉnh mạnh 3 tháng gần đây, các cổ phiếu từ trụ đến penny, từ bank - chứng - thép - bất động sản đến các nhóm ngành yếu hơn, tất cả đều bị nhấn chìm.

Với riêng nhóm bất động sản, từ đầu năm 2022 đến nay, những thông tin không mấy tích cực với thị trường bất động sản đã khiến hàng loạt "cổ đất" trên sàn chao đảo. Từ thương vụ đấu giá đất Thủ Thiêm tốn nhiều giấy mực đến những biến cố trên thị trường trái phiếu, thắt chặt tín dụng vào bất động sản..., bên bán dường như không lúc nào thiếu lý do để gây áp lực lên nhóm cổ phiếu đông quân số nhất sàn.

Trong số hàng trăm cổ phiếu bất động sản, không dễ để tìm được một cái tên còn giữ được thành quả từ đầu năm. Mức giảm khoảng 40 - 60% so với thời điểm đầu năm xuất hiện trên một loạt cổ phiếu như DIG, DXG, HDC, CII, LDG, CEO, L14,... ngay cả khi vừa trải qua 2 phiên tăng mạnh liên tiếp. Nếu tính từ đỉnh, những con số thậm chí còn gây ngỡ ngàng hơn khi lên đến trên 70%.

gsa.png
Cổ phiếu bất động sản giảm sâu từ đỉnh

Cục diện đã thay đổi chóng mặt khi chỉ chưa đầy 6 tháng trước, hầu hết các cổ phiếu trên vẫn đang hừng hực khí thế trên đỉnh lịch sử. Thời điểm đó, bộ 3 cổ phiếu CEO, DIG, L14 là những cái tên thuộc loại "hot" nhất trên khắp các diễn đàn về chứng khoán. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn lạc quan với những mức giá mục tiêu "không tưởng".

Tại thời điểm đạt đỉnh đầu tháng 1/2022, vốn hóa của CEO đã chạm ngưỡng tỷ USD trong khi giá trị của DIG lúc đó cũng đạt đỉnh cao, xấp xỉ 60.000 tỷ đồng (~2,6 tỷ USD). L14 cũng vươn lên trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất toàn sàn chứng khoán. Thế nhưng đến hiện tại những con số này chỉ còn lại 1/3.

Dù gần đây có những thời điểm bán không ai mua nhưng cổ phiếu bất động sản vẫn thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nhưng theo một cách rất khác. Lần lượt LDG, DIG, HDC,... đã phải giải trình về chuỗi 5 phiên giảm sàn liên tiếp theo quy định mới, thậm chí Chủ tịch HĐQT của DIG còn gửi tâm thư đến cổ đông.

Trong bối cảnh cổ phiếu liên tục giảm sâu, hoạt động bán giải chấp hay "call margin" là khó tránh khỏi ngay cả với những "cá mập" hay cổ đông liên quan đến lãnh đạo. Mới nhất là trường hợp Đầu tư Thiên Anh Minh - công ty có liên quan đến người nội bộ là ông Nguyễn Tuấn Anh, thành viên HĐQT độc lập của Hodeco đã phải đăng ký bán giải chấp 250.000 cổ phiếu HDC.

Trước đó hồi cuối tháng 3, Chứng khoán VPS cũng từng phát đi thông báo cho thấy ông Nguyễn Mạnh Tuấn, thành viên HĐQT của CTCP Licogi 14 đã bị bán giải chấp cổ phiếu L14 ngay trước nhịp lao dốc của thị trường. Cá nhân này còn được biết đến với cái tên "Nhà đầu tư 1970" hay A7 và từng có giai đoạn thường xuyên chia sẻ, phân tích về việc đầu tư vào các cổ phiếu bất động sản như DIG, CEO,...

Ngược chiều với các nhóm cổ phiếu trên, nhiều cổ phiếu nhóm phòng thủ ngành điện phần nào lại ghi nhận các kết quả tương đối khả quan hoặc chí ít không bị chỉnh mạnh.

Mã chứng khoán
23/6/2022
31/12/2021
% Thay đổi
CHP
23.600
21.440
10,1
DNH
40.600
39.340
3,2
DRL
66.000
63.180
4,5
EAD
28.100
18.490
52
GSM
13.600
13.500
0,7
HNA
15.500
14.000
10,7
HPD
22.800
20.690
10,2
NTH
41.000
33.710
21,6

Những cổ phiếu ngành điện có thị giá tăng từ đầu năm

Một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất của ngành điện trong 6 tháng đầu năm là cổ phiếu VSH của Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH) cũng đang giao dịch ở vùng đỉnh.

Kết phiên giao dịch ngày 21/6, cổ phiếu VSH có giá 43.500 đồng/cp - tăng gần 60% so với đầu năm. Tính từ phiên 13/6, cổ phiếu này đã có chuỗi 6 phiên liên tiếp tăng điểm và đạt đỉnh lịch sử 46.800 đồng vào ngày 20/6.

Một trong những cổ phiếu nổi bật của ngành điện là REE của REE Corporation (HOSE: REE). Kết thúc phiên ngày 23/6, cổ phiếu REE tăng trần lên mức 85.700 đồng/cp - tăng 44,3% và gấp đôi so với cách đây một năm. Trước khi giảm sàn 3 phiên liên tiếp, thị giá REE lập đỉnh lịch sử 99.000 đồng/cp trong phiên ngày 17/6 vừa qua.

Ngoài VSH và REE, có 9 mã cổ phiếu khác trong ngành điện đã tăng giá từ đầu năm đến nay.

Nhận định về triển vọng của ngành điện trong 6 tháng cuối năm, ông Hoàng Công Tuấn - Chuyên gia Chứng khoán MBS đánh giá kết quả kinh doanh ngành có thể tăng trưởng khả quan. Những lý do được đưa ra là dự báo sản lượng tiêu thụ điện năm nay tăng 8 - 8,5%; các nhà máy thủy điện sẽ có lượng nước về nhiều trong quý II/2022, đặc biệt là ở miền Trung còn các doanh nghiệp nhiệt điện vẫn sẽ được huy động hết công suất mặc dù đang trong tình trạng thiếu than.

Chứng khoán VNDirect đánh giá, ngành điện Việt Nam đang trải qua một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ do Chính phủ đang cố gắng cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Với mức tăng trưởng của quá trình chuyển đổi năng lượng trong những năm qua, đơn vị tin rằng các công ty tập trung đầu tư năng lượng sạch có thể phát triển vượt bậc trong những năm tới. VNDirect cho rằng nhóm cổ phiếu ngành điện có triển vọng tăng trưởng gắn chặt với tăng trưởng kinh tế. Ngành này cũng sẽ là một lựa chọn an toàn trong bối cảnh thị trường biến động mạnh gần đây.

Cùng với nhóm điện, nhiều cổ phiếu ngành nước cũng ghi nhận mức tăng trưởng tương đối lạc quan từ đầu năm.

Trong các doanh nghiệp cấp nước, cổ phiếu BWE của Nước – Môi trường Bình Dương - Biwase (HOSE: BWE) kết thúc phiên giao dịch ngày 23/6 có giá 51.800 đồng/cp - tăng gần 21% so với đầu năm. Mã này cũng đã đạt đỉnh lịch sử 61.500 vào giữa tháng 4 năm nay.

Ngoài BWE, thị giá cổ phiếu TDM của CTCP Nước Thủ Dầu Một (HOSE: TDM) cũng tăng 8,5% so với đầu năm đạt 38.800 đồng/cp.

Theo chia sẻ của ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phân tích Chứng khoán Vietcombank (VCBS), từ đầu năm 2022 đến nay, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nước tăng trưởng khá tốt. Điều này sẽ thu hút đầu tư và ảnh hưởng tốt đến giá cổ phiếu của ngành nước.

Về dư địa của ngành nước trong thời gian tới, theo số liệu của Hội Cấp thoát nước Việt Nam, tổng công suất nước sạch tại Việt Nam đạt 10,6 - 10,9 triệu m3/ngày. Quy hoạch ngành nước đến 2030, tiêu thụ nước sẽ đạt 105 - 110 lít/người/ngày trong 2021 lên 120 lít/người/ngày đến 2030. Tỷ lệ người dân tại khu vực nông thôn được cấp nước sạch qua hệ thống ước tính tăng từ 43,5% hiện tại lên 47% đến 2030. Mặt khác, nhờ nâng cấp hệ thống giảm thất thoát nước để cải thiện mạng lưới đường ống nước sạch, tỷ lệ thất thoát nước trung bình ước tính giảm từ 19,5% trong năm 2021 còn 18,7% trong năm nay.

Với dư địa như trên, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu Khí (PSI) nhấn mạnh, khi nguồn cung nước sạch ngày càng khan hiếm và tình trạng ô nhiễm gia tăng nhanh, giá nước bán lẻ và bán buôn của các nhà máy xử lý nước đều có lộ trình tăng. Cùng với lượng tiêu thụ tăng trưởng đều đặn, việc ngành cấp nước dự đoán có mức tăng trưởng 2 chữ số là điều tất yếu.