Thủy điện Thượng Kon Tum nằm trên sông Đăk Lô. Đây là công trình được xây dựng tại 2 xã gồm xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy và xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Với mục tiêu trở thành công trình thủy điện giúp chuyển vùng nước sau hai thủy điện trước đó là An Khê – Ka Nak (Plei Cu) và Serepok 3A (Đắc Lắc), nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum đóng vai trò quan trọng trong quá trình quản lý dòng chảy, tích nước, đảm bảo tưới tiêu, ngăn lũ,… cho người dân địa phương.

Nhà máy thủy điện 9.500 tỷ đồng có đường hầm dẫn nước dài nhất, đập đất và cột nước cao nhất Việt Nam
Thủy điện Thượng Kon Tum nhìn từ trên cao. Ảnh: PECC1.

Cụ thể, nước sông Đắk Snghé, Tây Nguyên sẽ theo đường hầm dẫn nước và cột nước của thủy điện thượng Kon Tum và chảy xuống sông Đăk Lô, thuộc lưu vực sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi. Nhà máy sau khi tích nước tại đầu nguồn sông Đắk Snghé sẽ tạo ra hồ chứa rộng khoảng 7 km2, dung tích 145 triệu m3.

Được khởi công xây dựng vào tháng 9/2009, nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum được dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Dưới chủ đầu tư là CTCP thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH), thủy điện Thượng Kon Tum có tổng vốn đầu tư của nhà máy là 9.400 tỷ đồng.

Tháng 10/2019 đã tổ chức Lễ thông hầm kỹ thuật tuyến năng lượng của dự án. Tuyến năng lượng của dự án có độ dài gần 17 km, trong đó 5 km là hình móng ngựa (5 x 6m), còn lại 12 km là hình tròn đường kính 4,5m nằm sâu trong lòng núi.

Tháng 3/2021, hồ thủy điện bắt đầu tích nước và vào lúc 14 giờ 55 ngày 24/3/2021, nhà máy đã được hòa lưới điện Quốc gia thành công.

Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum đi vào vận hành gồm 2 tổ máy với tổng công suất 220MW, sản lượng điện bình quân trên 1.094 triệu kWh/năm. Theo tính toán, nhà máy sẽ nộp ngân sách hàng năm cho tỉnh Kon Tum 200 tỷ đồng.

Từ khi chính thức đi vào hoạt động, dự án đã trở thành nhà máy thủy điện có đường hầm dẫn nước dài nhất Việt Nam (gần 20km) và có đập đất cao nhất Việt Nam với chiều cao là 80m, cột nước cao nhất Việt Nam với chiều cao là 944m tạo ra công suất phát điện lớn.

Nhà máy thủy điện 9.500 tỷ đồng có đường hầm dẫn nước dài nhất, đập đất và cột nước cao nhất Việt Nam
Đường hầm dẫn nước thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh: Xây dựng 47.

Quá trình tích trữ nước của dự án thuỷ điện trên đã tạo ra hồ nước bán nhân tạo, còn gọi là hồ thủy điện Thượng Kon Tum, được nhiều người tìm đến như một địa điểm du lịch. Giữa hồ là những hòn đảo lớn, đảo nhỏ nhấp nhô giữa làn nước xanh trong. Dòng chảy của hồ thuỷ điện này khá đặc biệt khi chảy ngược về hướng bắc, do bắt nguồn từ sông Đắk Bla, một dòng sông hiếm hoi ở Tây Nguyên có dòng chảy ngược.

Để giải thích cho việc nước sông chảy ngược, người bản địa lưu truyền câu chuyện dân gian về một tình yêu của đôi trai gái người J’rai và Bahnar sống ở thượng nguồn và hạ lưu sông. Do bị cấm cản không đến được với nhau, họ đã gieo mình xuống sông Đắk Bla. Dòng máu chàng trai xuôi theo dòng nước về hạ nguồn để tìm cô gái. Còn dòng máu cô gái lại ngược dòng tìm về phía chàng trai. Đến giữa sông thì hai dòng máu gặp nhau, rồi tuân theo tục mẫu hệ chảy ngược dòng về phía thượng nguồn.

Nhà máy thủy điện 9.500 tỷ đồng có đường hầm dẫn nước dài nhất, đập đất và cột nước cao nhất Việt Nam
Hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh: Báo Kon Tum.

Ngoài ra, đã có một hiện tượng lạ xảy ra, là kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động, động đất tại khu vực gần với thủy điện Thượng Kon Tum xảy thường xuyên và liên tục. Gần đây nhất vào tháng 7 vừa qua, trong vòng chưa đầy 10 giờ đồng hồ ngày 7/7, ở huyện Kon Plông xảy ra 12 trận động đất gây dư chấn dao động từ 2.5-4.2 độ, theo Viện Vật lý địa cầu.

Dẫn nguồn từ VnExpress, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, nhận định là động đất kích thích, xảy ra do hồ chứa thủy điện tích nước.

Hồi tháng 8/2022 trong 2 ngày xảy ra liên tiếp 12 trận động đất. Theo TS Xuân Anh, hiện tượng lặp lại này cho thấy "động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ. Có những thời điểm động đất theo một chuỗi, có thời kỳ thi thoảng vài trận, liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện", ông nói.

Theo thống kê trong 117 năm, từ 1903 đến 2020, khu vực Kon Plông chỉ ghi nhận khoảng 33 trận động đất, từ 2,5 độ trở lên. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay nơi đây đã xảy ra trên 200 trận động đất mới.