Đào tạo nhân lực ngành bán dẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong cuộc cách mạng bán dẫn toàn cầu, nhưng thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao.

Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đặt mục tiêu dự kiến đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030, tương đương khoảng 10.000 kỹ sư mỗi năm. Đây là con số không hề nhỏ.

Hỗ trợ tới 10.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy đầu tiên để phục vụ nghiên cứu, đào tạo, sản xuất chip bán dẫn

Đào tạo nhân lực ngành bán dẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển.

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), nhận định bán dẫn được coi là một trong những ngành công nghiệp cực kỳ đặc biệt, là ngành lõi nhất của công nghệ thông tin.

Tại Mỹ, theo đạo luật CHIPS, đây không đơn thuần là một ngành kinh tế mà còn được coi là lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia. Việt Nam được xác định có thể tham gia vào chuỗi giá trị của ngành chip bán dẫn từ cách đây vài năm. Vì vậy, tất yếu chúng ta phải phát triển ngành này.

“Chúng ta không thể mãi đi sau. Đây là thời điểm vàng để bứt tốc và nếu không tận dụng, cơ hội sẽ trôi qua như nhiều lần trước...”, ông Đỗ Tiến Thịnh nhấn mạnh.

Trên thực tế, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đặt mục tiêu dự kiến đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030, tương đương khoảng 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu.

Cùng với đó, sản xuất đòi hỏi tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn. Nhưng công tác đào tạo nhân lực ngành bán dẫn vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển. Số lượng kỹ sư có chuyên môn về kiểm thử, đóng gói vi mạch còn hạn chế.

Để “chắc chân” trong cuộc đua toàn cầu này, Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 57 - NQ/TW khẳng định quyết tâm trong việc lựa chọn đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, trong đó có AI và bán dẫn làm lộ trình phát triển tương lai. Chúng ta đang huy động sự tham gia của toàn xã hội vào các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao vào cuộc sống. Bên cạnh đó, tháng 9/2024, Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030”.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh, AI đang phát triển vượt bậc, mang lại tiềm năng lớn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và giải quyết các vấn đề toàn cầu, như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội và y tế cộng đồng.

Việt Nam cần xây dựng hướng đi riêng

TS Đỗ Tiến Thịnh khẳng định, Việt Nam cần xây dựng hướng đi riêng. Điều đó đòi hỏi từ chính sách Nhà nước đến chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực cần có sự đầu tư bài bản, đồng bộ và dài hạn.

“Chúng ta nên thúc đẩy đào tạo trong nước, sau đó cử sinh viên đi học ở các quốc gia công nghệ phát triển, tích lũy kinh nghiệm thực chiến, rồi quay về để phát triển đất nước”, ông Thịnh nêu quan điểm.

Nhân lực ngành bán dẫn: Việt Nam mới đáp ứng được 20% nhu cầu

Việt Nam cần xây dựng hướng đi riêng trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Cũng theo TS Đỗ Tiến Thịnh, Việt Nam không thể đi một mình trong hành trình phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn, mà cần thúc đẩy liên kết, tăng cường hợp tác cũng như đa dạng mô hình hợp tác trong nước và quốc tế.

Vì vậy, việc kết nối với các quốc gia đã phát triển ngành bán dẫn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… là cần thiết để học hỏi, chuyển giao công nghệ, tiếp cận nguồn lực tài chính và hạ tầng. Đồng thời, tham gia sâu vào ngành bán dẫn không chỉ là cơ hội về công nghệ, mà còn tạo đòn bẩy cho xuất khẩu, tăng trưởng GDP và thu hút vốn FDI chất lượng cao.

Lưu ý về công tác đào tạo, GS, TS Phan Mạnh Hưởng, Trường đại học Nam Florida, Hoa Kỳ nhận định: “Muốn đào tạo bán dẫn số lượng lớn, trước hết cần đội ngũ giảng viên hiểu biết sâu sắc lĩnh vực này, điều mà hiện nay chúng ta đang thiếu trầm trọng”.

Trong khi đó, PGS, TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, không lo đào tạo thừa mà chỉ sợ thiếu. Vấn đề cốt lõi là các trường phải nâng chuẩn đào tạo để đầu ra có chất lượng, cạnh tranh được trên thị trường lao động toàn cầu. Nếu làm được điều đó, ngay cả khi số lượng sinh viên ngành vi mạch tăng nhanh, họ vẫn sẽ hấp dẫn được các công ty trong và ngoài nước.

Đặc biệt, để đào tạo nhân lực góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam thật sự vươn lên trở thành cường quốc AI và bán dẫn, cần có sự chung tay của cả hệ sinh thái doanh nghiệp.

Theo đó, cần xây dựng hệ sinh thái hợp tác giáo dục - doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nước ngoài, đó chính là mô hình phát triển bền vững cho nguồn nhân lực bán dẫn tại Việt Nam. Với mô hình này, sinh viên không chỉ được đào tạo về kiến thức nền tảng mà còn được trải nghiệm các chương trình thực tập tại dự án của doanh nghiệp từ sớm.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho hay: "Thời gian qua, hơn chục trường đại học hàng đầu đã nhanh chóng mở chương trình đào tạo về AI, bán dẫn. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn lực lượng cho thế hệ chuyên gia mới, hòa mình vào dòng chảy công nghệ toàn cầu. Đây là một “mỏ vàng” chờ các doanh nghiệp quốc tế đến khai thác".