Chiều 2/4 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố mức thuế đối ứng 46% áp dụng cho 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là mức thuế cao thứ hai trong số các nước xuất khẩu vào Mỹ, chỉ đứng sau Campuchia, quốc gia bị áp thuế 49% đối với 97% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này.
Nhiều ngành nghề của Việt Nam, bao gồm đồ gỗ nội thất, dệt may, linh kiện điện tử, thủy sản… có thể chịu tác động nặng nề từ mức thuế kể trên.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố mức thuế đối ứng 46% áp dụng cho hàng Việt Nam. Ảnh: Internet |
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Ngô Chơn Trí, Giám đốc vận hành nhà xuất khẩu đồ gỗ nội thất Yes4All, cho biết ngay từ đêm qua, nhiều nhân sự của công ty đã phải thảo luận về chính sách thuế mới và tổ chức họp khẩn vào sáng nay.
"Chúng tôi mới nhận được tin của một khách hàng Mỹ mới nói rằng 10% áp dụng cho tất cả các ngành nghề, còn mức 46% chỉ áp dụng cho nông sản và máy móc. Chúng tôi sẽ kiểm tra với nhiều đầu mối, kể cả hãng tàu để kiểm chứng lại thông tin này" - ông Trí thông tin.
Theo báo Thanh Niên, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, nhận định mức thuế mới là một "cú sốc" đối với các doanh nghiệp hội viên, bởi nó hoàn toàn vượt ra khỏi dự đoán của doanh nghiệp, hiệp hội cũng như giới chuyên gia kinh tế. Theo ông, trước đó vẫn có kỳ vọng rằng Việt Nam chỉ bị áp mức thuế đối ứng tương đối thấp, nhưng con số 46% được công bố hiện tại khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại về tác động đối với đơn hàng xuất khẩu.
"Sáng nay, hiệp hội sẽ có cuộc họp với các doanh nghiệp thành viên và sẽ cùng thảo luận, đánh giá tình hình thị trường cũng như chia sẻ các giải pháp. Mỹ hiện là thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam nên việc áp thuế quá cao sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao thị trường và tìm hiểu từ phía đối tác xem diễn biến sắp tới để có các giải pháp thích ứng linh hoạt", ông Phạm Xuân Hồng cho biết.
Là doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết đã tính toán các kịch bản dự phòng, trong đó có khả năng Mỹ áp mức thuế tổng hợp 25% và đã điều chỉnh sản xuất theo mức đó trong hai tháng qua. Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại hoàn toàn khác. Ngoài mức thuế chung 10% có hiệu lực từ ngày 5/4, thuế đối ứng Mỹ công bố có hiệu lực từ ngày 9/4 là "câu chuyện rất lớn" và "cực kỳ khó khăn".
Một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tại TP.HCM cũng bày tỏ sự quan ngại. Đại diện công ty cho biết ngay sau khi CNN đưa tin, họ đã lập tức liên hệ với đối tác mua hàng tại Mỹ. Tuy nhiên, phía đối tác cũng chưa có thông tin rõ ràng về chính sách thuế mới. Bên cạnh đó, mức thuế 46% là quá cao. Một chiếc bàn có giá 100 USD, nay khách hàng Mỹ phải trả 146 USD – điều này thực sự đáng lo ngại. “Hôm nay, các công ty liên lạc làm việc với các hãng tàu, đối tác xem thế nào”, đại diện doanh nghiệp nói.
![]() |
Nhiều ngành nghề của Việt Nam, bao gồm đồ gỗ nội thất, dệt may, linh kiện điện tử, thủy sản… có thể chịu tác động nặng nề từ mức thuế kể trên. Ảnh: Internet |
Được biết, trong năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt hơn 16,2 tỷ USD, trong đó Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất của ngành.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ đạt hơn 9,1 tỷ USD vào năm ngoái, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Tương tự, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may Việt Nam, với kim ngạch hơn 16 tỷ USD trong năm 2024, chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu. Nhờ đó, Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, với tổng kim ngạch đạt khoảng 43,5 tỷ USD.
Trong hai tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt hơn 7 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ tiếp tục chiếm tỷ trọng 40%.
Còn đối với thị trường thuỷ sản, Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, đạt giá trị khoảng 1,8 tỷ USD.