Hàng không là một trong những ngành kinh doanh không xa lạ gì với nguy cơ phá sản. Tuy vậy, nhiều hãng hàng không vẫn có thể vực dậy mạnh mẽ sau khi đã yêu cầu bảo hộ phá sản.

Japan Airlines

Trong suốt 5 năm liên tiếp ở những năm 80 của thế kỷ trước, Japan Airlines giữ vững danh hiệu hãng hàng không làm ăn tốt nhất thế giới cả ở mảng vận tải hành khách và hàng hóa, đỉnh cao là đội máy bay Boeing 747 lớn nhất ngành công nghiệp hàng không.

Thế nhưng, đến tháng 1/2010, sau những sai lầm của ban quản lý khi thực hiện các kế hoạch mở rộng hoạt động và đầu tư ra ngoài lĩnh vực hàng không, hãng đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Những hãng hàng không từng phất lên nhờ xin bảo hộ phá sản

Ông Kazuo Inamori.

Chính phủ Nhật Bản đã phải mời vị doanh nhân lão làng Kazuo Inamori (dù thời điểm đó ông đã xuất gia và cũng đã gần 80 tuổi, đồng thời không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không) về lãnh đạo cuộc đại tu Japan Airlines. Quyết định của chính phủ Nhật Bản về sau được chứng minh là bước đi vô cùng đúng đắn.

Dưới bàn tay của Inamori, trong năm tài chính 2011/12, Japan Airlines được công nhận là hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất thế giới. Khi đó, Japan Airlines có khoản lợi nhuận 186,6 tỷ yen, cao hơn gấp nhiều lần so với kỳ vọng 60 tỷ yen.

Đợt IPO của Japan Airlines vào tháng 9/2012 thu được 663 tỷ yen trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo. Đây là đợt IPO lớn thứ hai trên toàn thế giới vào năm đó chỉ sau Facebook Inc.

Thai Airways

Một cái tên đáng chú ý khác phải kể đến là Thai Airways - hãng hàng không quốc gia của Thái Lan.

Thai Airways là hãng hàng không 4 sao theo xếp hạng của hãng tư vấn uy tín Skytrax, đồng thời là hãng bay lớn nhất Thái Lan kể từ khi thành lập năm 1988. Ngoài ra, đây cũng là hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương sở hữu lượng hành khách đông đảo nhất nhì ở châu Âu.

Tuy vậy, sau nhiều năm kinh doanh khó khăn, Covid-19 được xem là "ngòi nổ" cho việc Thai Airways nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 5 năm 2020.

Trong kế hoạch được công bố vào năm ngoái, hãng hàng không này dự kiến ​​sẽ hoàn thành tái cơ cấu vốn vào năm 2024 thông qua hoán chuyển nợ thành cổ phần và sẽ trở lại sàn chứng khoán vào năm 2025, theo Bangkok Post.

Nhờ được bảo hộ phá sản, Thai Airways đã có thời gian để phục hồi hoạt động kinh doanh. Doanh thu của công ty này đã tăng gấp 4 lần vào năm 2022, lên khoảng 2,69 tỷ USD, và dự kiến sẽ tăng trưởng thêm 40% trong năm nay.

Trong khi đó, doanh thu năm 2023 của Thai Airways có thể đạt mức 70% trước đại dịch COVID. Ngoài ra, hãng hàng không quốc gia của Thái Lan cũng đang có kế hoạch mua sắm thêm tàu bay, theo Nikkei Asia.

American Airlines

Từ năm 2001, American Airlines - hãng hàng không từng lớn nhất nước Mỹ liên tục đối mặt với nhiều khó khăn với khoản lỗ lên tới 10 tỷ USD.

Đến năm 2011, không chỉ American Airlines mà công ty mẹ của hãng là Tập đoàn AMR Corp, cũng nộp đơn bảo hộ phá sản lên tòa án New York, trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao và nhu cầu bay sụt giảm, trong khi không thể thương lượng giảm tiền lương với phi công.

Theo ông Thomas Horton, CEO của American Airlines khi đó, quyết định xin bảo lãnh phá sản là cần thiết để công ty hoạt động hiệu quả, tăng cường tiềm lực tài chính và sức cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang ảm đạm.

American Airlines báo lỗ 2,4 tỷ USD do dịch bệnh COVID-19 | Doanh nghiệp |  Vietnam+ (VietnamPlus)

Tháng 2/2012, American Airlines cắt giảm 13.000 lao động (18% nhân viên) nhằm mục đích giảm 20% chi phí hoạt động, theo tờ New York Times.

Tiếp đó, hãng bay tìm kiếm cơ hội sáp nhập với nhiều hãng bay khác, trong đó có US Airways - đối thủ cạnh tranh US Airways - hãng hàng không lớn thứ 5 của Mỹ, nhằm tăng doanh thu và giảm chi phí.

Đầu năm 2014, sau nhiều thỏa thuận tài chính, AMR và US Airways hoàn thành phi vụ sáp nhập thành hãng hàng không lớn nhất thế giới cả về doanh thu hàng năm và quy mô hoạt động trên toàn cầu lúc bấy giờ: American Airlines Group.

Mặc dù doanh nghiệp mới phải tiêu tốn khoản chi phí giải quyết thủ tục phá sản khổng lồ, nhưng 2014 là năm đầu tiên American Airlines báo cáo có lợi nhuận kể từ 2007.

Đến năm 2022, American Airlines là hãng hàng không có doanh thu cao thứ hai trên thế giới, đạt 29,9 tỷ USD Mỹ, chỉ xếp sau Delta Air Lines, theo Statista.