Theo thống kê mới nhất, trong tuần đầu tháng 5/2025, lượng đậu nành và thịt lợn Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đã chạm ngưỡng 0, mức thấp chưa từng thấy kể từ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu đình chiến thuế quan. Diễn biến này gây lo ngại sâu sắc trong giới nông dân Mỹ, những người vốn xem Trung Quốc là thị trường trọng điểm suốt nhiều thập kỷ qua.

Năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 12,8 tỷ USD đậu nành từ Mỹ và tiêu thụ khoảng 70.000 tấn thịt lợn Mỹ, con số đáng kể giúp ổn định đầu ra cho ngành nông nghiệp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump khơi mào cuộc chiến thương mại từ đầu tháng 4, các đòn áp thuế trả đũa liên tiếp đã khiến kim ngạch xuất khẩu lao dốc, kéo theo nhiều hợp đồng bị hủy bỏ.

Cụ thể, trong tuần kết thúc ngày 3/4, Trung Quốc mua hơn 340.000 tấn đậu nành Mỹ. Thế nhưng chỉ một tháng sau, con số này giảm mạnh còn 68.000 tấn, trước khi rơi hoàn toàn xuống 0. Xuất khẩu thịt lợn cũng không khá hơn: từ hàng nghìn tấn mỗi tuần giảm xuống còn 24 tấn vào đầu tháng 5, rồi “đóng băng” trong tuần kế tiếp.

Dù ngày 12/5, Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận tạm ngừng áp thuế nhưng các đơn hàng từ Trung Quốc vẫn chưa thực sự phục hồi.

Nông dân Mỹ rơi vào thảm cảnh khi Trung Quốc khóa van nhập khẩu loạt mặt hàng chủ lực
Trung Quốc dần chuyển hướng sang nhập khẩu đậu nành từ Brazil và tự trồng trong nước. Ảnh minh họa

Thịt lợn Mỹ có dấu hiệu khởi sắc khi lượng đặt hàng trong tuần kết thúc ngày 15/5 tăng trở lại lên 200 tấn, sau đó vọt lên 7.838 tấn trong tuần kế tiếp. Tuy nhiên, với mặt hàng đậu nành, vốn được xem là “vàng xanh” trong xuất khẩu nông sản Mỹ tình hình vẫn ảm đạm. Đến giữa tháng 5, Trung Quốc chưa ký thêm bất kỳ hợp đồng nào mới, duy trì mức nhập khẩu bằng 0.

Một phần nguyên nhân được cho là do Bắc Kinh đã đẩy mạnh chiến lược tự chủ nông sản kể từ khi bị Mỹ áp thuế 20% với cáo buộc liên quan đến chất gây nghiện fentanyl. Đáp trả, Trung Quốc áp mức thuế 10% lên các mặt hàng nông sản Mỹ, đặc biệt là đậu nành và thịt lợn. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng dần chuyển hướng nhập khẩu sang đối tác khác, nổi bật là Brazil.

Trong tuyên bố hồi tháng 4, chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh sẽ ưu tiên mở rộng diện tích trồng đậu nành trong nước và tăng cường cải tiến kỹ thuật để giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Đồng thời, Bắc Kinh cũng thúc đẩy quan hệ thương mại với Brazil khiến nước này chính thức vượt Mỹ trở thành nhà cung cấp đậu nành số một của Trung Quốc.

Nông dân Mỹ rơi vào thảm cảnh khi Trung Quốc khóa van nhập khẩu loạt mặt hàng chủ lực
Ngay cả ngành thịt lợn của Mỹ cũng chưa thể phục hồi sau khi bị Trung Quốc quay lưng. Ảnh minh họa

Điều này đồng nghĩa với việc, ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại, nhu cầu của Trung Quốc đối với đậu nành Mỹ cũng khó có thể phục hồi như trước. Đây là tín hiệu đáng báo động với ngành nông sản Hoa Kỳ.

Từ đầu cuộc chiến thương mại đến nay, nông dân Mỹ là nhóm chịu thiệt hại nặng nề nhất. Không chỉ mất đơn hàng, họ còn phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao, giá bán giảm và sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia cung ứng khác.

Mặc dù một số tín hiệu phục hồi đang bắt đầu xuất hiện ở mặt hàng thịt lợn, song xét về tổng thể, tác động của chiến tranh thương mại vẫn còn rất lớn. Việc Trung Quốc có thực sự quay lại mua hàng Mỹ hay không vẫn là một dấu hỏi lớn, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi chiến lược “tự cường nông nghiệp”.