Theo báo Dân Việt, từ một hộ gia đình trắng tay vì trồng hoa màu kém hiệu quả, ông Nguyễn Văn Bi (tên thường gọi là Tám Bi, sinh năm 1960, ngụ khu vực Thới Hòa, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) đã vươn lên làm giàu nhờ mô hình trồng rau muống. Hành trình chuyển mình ngoạn mục của ông không chỉ giúp gia đình thoát nghèo mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Bước ngoặt từ thất bại

Trước đây, gia đình ông Tám Bi sở hữu khoảng 4 công đất (gần 4.000m²). Với quỹ đất hạn hẹp, ông chọn trồng hoa màu như đậu bắp, cải bắp, dưa leo, cà chua... Tuy nhiên, do chu kỳ canh tác dài, thị trường tiêu thụ bấp bênh, chi phí đầu tư cao, ông liên tục thua lỗ. Nợ nần chồng chất, ông buộc phải bán gần hết đất để trả tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Tám Bi nhớ lại, khi trả hết nợ, gần như trắng tay. Gia đình chỉ còn lại nền nhà và một ít đất sau hè.

Nông dân ở Cần Thơ rủ cả xóm trồng ‘nhân sâm của người nghèo’: Thu hoạch đến đâu hết sạch đến đó, xung quanh đều khấm khá
Ông Nguyễn Văn Tám làm giàu từ cây rau muống - loại rau được mệnh danh "nhân sâm của người nghèo". Ảnh: Báo Dân Việt

Cơ hội đến khi ông được Hội Nông dân phường cho tham quan mô hình trồng rau muống tại huyện Phú Tân (tỉnh An Giang). Nhận thấy cây rau này dễ trồng, nhanh thu hoạch, đầu ra ổn định, ông quyết định đầu tư số tiền ít ỏi còn lại mua hạt giống và phân hữu cơ để cải tạo phần đất sau nhà.

Rau muống – cứu cánh kinh tế

Thổ nhưỡng phù hợp giúp rau muống phát triển nhanh, chỉ sau chưa đầy 20 ngày đã có thể thu hoạch. Ban đầu, vợ ông mang rau ra chợ bán, lấy tiền mua thêm hạt giống gieo tiếp. Thấy hiệu quả, ông Tám Bi thuê thêm 3 công đất gần nhà để mở rộng sản xuất. Dần dần, ông tạo được nguồn cung ổn định cho thương lái, cuộc sống gia đình dần cải thiện.

Sau hơn một năm thuê đất, ông mạnh dạn mua thêm 1ha ruộng, nâng tổng diện tích trồng rau muống lên 2ha. Rau phát triển tốt, thương lái đến tận nơi thu mua, vợ ông không còn phải ra chợ bán lẻ.

Theo ông Tám Bi, chi phí đầu tư mỗi vụ rau muống trên 1.000m² chỉ khoảng 5 triệu đồng. Với năng suất trung bình 2,5 tấn/vụ và giá bán 5.000 - 6.000 đồng/kg, nông dân có thể thu lãi khoảng 7,5 triệu đồng. Đặc biệt, rau muống có thể canh tác đến 10 vụ/năm, mang lại lợi nhuận lên tới 75 triệu đồng/1.000m² mỗi năm.

Thời điểm hiện tại, rau muống được thương lái thu mua tại ruộng với giá 10.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày, từ 1.500m², gia đình ông thu hoạch 400–500kg rau, lãi khoảng 3 triệu đồng.

Ông Tám Bi chia sẻ trên báo Dân Việt rằng, chúng tôi trồng theo kiểu cuốn chiếu, gieo hạt liên tục mỗi ngày để mỗi ngày đều có rau thu hoạch. Sau khi nhổ rau từ 0h đến 6h sáng, gia đình sẽ cải tạo đất và gieo hạt cho vụ tiếp theo ngay trong ngày.

Ông cho biết thêm, rau trồng trong vòng 18 ngày là đã thu hoạch, chưa kịp phát sinh sâu bệnh nên không cần nhà màng hay thuốc bảo vệ thực vật. Vào mùa hạn, rau chỉ cần tưới phân hữu cơ một lần; mùa mưa thì hầu như không cần chăm bón nhiều.

Lan tỏa mô hình làm ăn hiệu quả

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình của ông Tám Bi, nhiều hộ dân trong khu vực Thới Hòa đã làm theo. Hiện toàn khu vực có khoảng 70 hộ trồng rau muống với sản lượng khoảng 570 tấn/tháng (tương đương 18 tấn/ngày), giải quyết việc làm cho khoảng 190 lao động tại chỗ.

Từ tổ hợp tác ban đầu, tháng 7/2010, HTX Rau an toàn Hòa Phát chính thức được thành lập với 10 hộ thành viên, canh tác trên diện tích 5ha. Sau 15 năm hoạt động, HTX phát triển ổn định, cung ứng sản phẩm cho thị trường Cần Thơ và các tỉnh lân cận thông qua hệ thống thương lái thu mua trực tiếp tại ruộng.

Nông dân ở Cần Thơ rủ cả xóm trồng ‘nhân sâm của người nghèo’: Thu hoạch đến đâu hết sạch đến đó, xung quanh đều khấm khá
Với 1.000m² đất, canh tác 10 vụ rau muống mỗi năm, có thể mang lại lợi nhuận lên tới 75.000.000 đồng. Ảnh: Báo Dân Việt

Mỗi ngày, HTX tạo việc làm cho 7–10 lao động với thu nhập bình quân 250.000 đồng/người. Tính chung toàn khu vực, gần 200 người có thu nhập ổn định từ công việc nhổ rau, vận chuyển và sơ chế.

Chị Nguyễn Thị Đẹp, người dân địa phương, cho biết đã gắn bó với công việc nhổ rau cho gia đình ông Tám Bi hơn 10 năm. Mỗi ký rau được trả công 1.000 đồng, mỗi ngày vợ chồng chị nhổ khoảng 100–150kg, thu nhập từ 200.000–300.000 đồng/ngày.

“Gia đình tôi có 1 công đất trồng nhãn, chỉ thu hoạch mỗi năm một lần. Nhờ công việc này mà chúng tôi có thu nhập ổn định, lo được cho hai con ăn học”, chị chia sẻ.

Gắn sản xuất với trách nhiệm cộng đồng

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Tám Bi còn tích cực đóng góp cho các hoạt động phúc lợi xã hội. Năm 2024, ông đã hỗ trợ 500kg gạo cho hộ nghèo trị giá 6 triệu đồng, vận động quyên góp 25 triệu đồng hỗ trợ nông dân khó khăn, và cùng bà con nâng cấp tuyến đường Rạch Chùa với tổng kinh phí 125 triệu đồng.

Năm 2025, ông tiếp tục vận động mạnh thường quân xây dựng hơn 10km đường giao thông nông thôn, bắt mới 3 cây cầu Hy Vọng, nâng cấp 4 đường dẫn cầu với tổng chi phí khoảng 200 triệu đồng từ nguồn đóng góp nhân dân.

Nông dân ở Cần Thơ rủ cả xóm trồng ‘nhân sâm của người nghèo’: Thu hoạch đến đâu hết sạch đến đó, xung quanh đều khấm khá
Nhiều người vẫn đùa vui rằng, rau muống là "nhân sâm của người nghèo", với rất nhiều công dụng khi chế biến. Ảnh: Tổng hợp

Từ một nông dân tay trắng, ông Tám Bi đã trở thành điển hình làm kinh tế giỏi, giúp nhiều hộ dân địa phương có việc làm, thu nhập ổn định. Câu chuyện vượt khó của ông là minh chứng sinh động cho nghị lực, sự nhạy bén và tinh thần cộng đồng của người nông dân thời hội nhập.