Mới đây, Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2025, diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Tạ Sơn Tùng – Chủ tịch Công ty Rikkeisoft, cựu sinh viên khóa 51 của trường – đã chia sẻ nhiều lời khuyên thực tế về khởi nghiệp và hội nhập quốc tế dành cho sinh viên.
Từng tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin chương trình Việt - Nhật cách đây hơn 15 năm, anh Tùng từng có cơ hội ở lại Nhật Bản làm việc. Tuy nhiên, vị doanh nhân này quyết định trở về Việt Nam, bắt đầu sự nghiệp tại Tập đoàn FPT.
Không lâu sau, cùng với bốn người bạn đồng môn, anh thành lập Rikkeisoft – công ty công nghệ hiện có hơn 1.300 nhân sự, hoạt động tại ba chi nhánh ở Việt Nam và ba chi nhánh tại Nhật Bản.
![]() |
Anh Tạ Sơn Tùng Chủ tịch Công ty Rikkeisoft, cựu sinh viên khóa 51 của trường ĐH Bách khoa Hà Nội - chia sẻ trong hội nghị. Ảnh: Tổng hợp |
Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch Rikkeisoft xúc động nhớ lại: “Đây là lần thứ hai tôi được đứng trên sân khấu của Đại học Bách khoa Hà Nội. Lần đầu tiên vào năm nhất đại học, khi đó tôi là cậu sinh viên non nớt, chỉ biết học và đam mê đặc biệt với công nghệ. Hôm nay là lần thứ hai, tôi được đứng ở đây với vai trò cựu sinh viên Bách khoa, đã thành công trên con đường khởi nghiệp công ty về công nghệ”.
Nhìn về thế hệ sinh viên hiện tại, vị doanh nhân như thấy lại hình ảnh của mình năm xưa – đầy nhiệt huyết, đam mê nghiên cứu và khát vọng khởi nghiệp. Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dám thể hiện bản thân trong thời đại toàn cầu hóa.
“Các bạn hãy thỏa sức nói về ước mơ, nói về khát vọng chinh phục khoa học công nghệ, đừng ngần ngại thể hiện niềm đam mê của chính mình. Nhất là khi gặp gỡ chuyên gia, nhà khoa học hay các công ty về phần mềm, công nghệ, các bạn có một vài ước mơ nhưng hãy học cách ‘nổ’ – cách nói vui của các bạn trẻ ngày nay, nhân hóa nó lên 10, 20 lần.
Chắc chắn người ta sẽ nhìn thấy sức trẻ, đam mê và tiềm năng của bạn. Đó là cách mở ra hợp tác, tìm kiếm cơ hội cho chính mình khi bước ra thế giới”, anh Tùng khuyến khích.
Theo anh, sinh viên chỉ nên khiêm tốn khi ở nhà, về quê, còn khi bước ra xã hội – đặc biệt là môi trường quốc tế – thì “đừng bao giờ khiêm tốn”.
Trong khuôn khổ của hội nghị, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết, hoạt động này là dịp thường niên nhằm xét tặng giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường và chọn các đề tài tiêu biểu tham dự giải thưởng cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với chủ đề “Khoa học – công nghệ – đổi mới sáng tạo vì cuộc sống”, hội nghị năm nay kỳ vọng sẽ tạo động lực để sinh viên ứng dụng tri thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tiến tới quốc tế hóa.
![]() |
Một trong những sáng chế của sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội trưng bày tại sự kiện. Ảnh: Tổng hợp |
Các đề tài được khuyến khích tập trung vào các lĩnh vực thiết thực như: môi trường, năng lượng, y tế, đô thị thông minh, công nghệ giáo dục và chuyển đổi số.
Đáng chú ý, năm nay lần đầu tiên Đại học Bách khoa Hà Nội mời đại diện doanh nghiệp công nghệ, nhà đầu tư và chuyên gia đổi mới sáng tạo tham gia trực tiếp vào Hội đồng chấm giải. Đây được xem là cầu nối thiết thực giữa sinh viên và thị trường lao động, giữa nghiên cứu khoa học và khả năng thương mại hóa sản phẩm.