Tại nhiều vùng trồng ngô ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực trung du và miền núi phía Bắc, hình ảnh lõi ngô bị vứt ngổn ngang trên các cánh đồng hay chất thành đống bên vệ đường không còn xa lạ. Sau khi tách hạt, người dân thường tận dụng phần lõi khô làm chất đốt đơn giản hoặc để mục tự nhiên. Trong nhiều năm, lõi ngô bị coi là sản phẩm phụ không có giá trị kinh tế đáng kể, chỉ được thu mua với giá vài trăm đồng/kg, chủ yếu làm thức ăn gia súc hoặc phân bón hữu cơ.

Tuy nhiên, bước ngoặt bắt đầu khi thị trường quốc tế, đặc biệt là các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, bắt đầu quan tâm đến các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với sức khỏe và môi trường. Từ đó, lõi ngô được nhìn nhận lại dưới góc độ công nghiệp chế biến sâu.

Từng bị vứt đầy ruộng Việt Nam, phế phẩm này giờ thành đặc sản giá hơn 100.000 đồng/kg ở siêu thị Hàn Quốc
Trước kia, lõi ngô được xem như bỏ đi tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Một trong những ứng dụng nổi bật và phổ biến nhất của lõi ngô là làm trà thảo mộc. Tại Hàn Quốc, loại trà nấu từ lõi ngô được tiêu thụ rộng rãi trong các siêu thị và cửa hàng thực phẩm chức năng với giá khoảng 6.000 đồng/lõi, tương đương hơn 100.000 đồng/kg. Theo đánh giá của người tiêu dùng, nước nấu từ lõi ngô có vị ngọt thanh, dễ uống, hỗ trợ tiêu hóa, giúp cảm giác no lâu và tốt cho sức khỏe răng miệng.

Không dừng lại ở đó, lõi ngô còn là nguồn cung cấp beta-sitosterol, một hoạt chất có khả năng hỗ trợ làm giảm cholesterol trong máu và cải thiện sức khỏe tuyến tiền liệt. Một số doanh nghiệp đã tận dụng đặc tính này để phát triển các sản phẩm thực phẩm chức năng chiết xuất từ lõi ngô.

Ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, lõi ngô cũng đang chứng minh tiềm năng to lớn. Sau khi nghiền nhỏ, lõi ngô được ép thành dạng than sinh học hoặc thanh nhiên liệu sinh học, sản phẩm có khả năng cháy lâu, sinh nhiệt lớn, không tạo khói và không bốc lửa mạnh. Đây là ưu điểm giúp than lõi ngô trở thành lựa chọn thay thế bền vững trong ngành công nghiệp và sử dụng tại các hộ gia đình. Hiện nay, tỉnh Sơn La được xem là địa phương đi đầu trong việc phát triển các nhà máy sản xuất than từ lõi ngô với quy mô lớn.

Từng bị vứt đầy ruộng Việt Nam, phế phẩm này giờ thành đặc sản giá hơn 100.000 đồng/kg ở siêu thị Hàn Quốc
Lõi ngô thành đặc sản trong các siêu thị tại Hàn Quốc. Ảnh minh họa

Không thể không kể đến tiềm năng sản xuất ethanol sinh học từ lõi ngô. Với hàm lượng cellulose cao, lõi ngô có thể được thủy phân thành glucose, sau đó lên men để tạo ra ethanol, một dạng nhiên liệu sạch. Dù công nghệ này tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa phổ biến do chi phí cao, song các chuyên gia đánh giá đây là hướng đi bền vững cần được đầu tư nghiêm túc trong tương lai.

Việt Nam hiện đã bắt đầu khai thác tiềm năng xuất khẩu lõi ngô. Một số doanh nghiệp ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cho biết, họ đã ký kết hợp đồng cung cấp hàng trăm tấn lõi ngô nghiền và ép mỗi tháng sang các thị trường như Nhật Bản và Hàn Quốc. Các yêu cầu về vệ sinh, độ ẩm và tiêu chuẩn đóng gói đang được tuân thủ chặt chẽ để đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ các quốc gia nhập khẩu.