Khoảng 20 năm trước, sá sùng là cái tên quen thuộc nhưng không mấy được ưa chuộng tại các vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng. Loài giun biển có chiều dài từ 5 đến 10 cm, đôi khi lên đến 40 cm khi trưởng thành, sinh sống sâu trong lớp cát ven biển, đặc biệt tập trung nhiều ở Quan Lạn, Vân Đồn. Với ngư dân địa phương, việc khai thác sá sùng từng vô cùng dễ dàng, chỉ cần đào cát lúc thủy triều rút là có thể thu được hàng rổ.
Vì dồi dào và giá rẻ, chỉ khoảng 80.000 đến 100.000 đồng/kg tươi, sá sùng từng là nguyên liệu quen thuộc để nấu nước dùng phở, làm món nhậu nướng muối ớt hoặc phơi khô ăn dần. Người dân trên đảo từng ăn nhiều đến mức... phát ngán. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi truyền thông và giới sành ăn bắt đầu gọi sá sùng là “mì chính tự nhiên” giúp tạo ngọt không cần hóa chất, thơm ngon và an toàn.
![]() |
Sá sùng tươi được bán ở mức 500.000–600.000 đồng/kg. Ảnh minh họa |
Chỉ trong vòng chưa đầy hai thập kỷ, sá sùng từ món ăn dân dã đã lột xác thành “đặc sản quý”, có giá bán cao gấp hàng chục lần trước kia. Hiện nay, sá sùng khô được rao bán với mức giá dao động từ 3 đến 5 triệu đồng/kg, thậm chí loại đặc biệt có thể đạt tới 10 triệu đồng/kg. Sá sùng tươi cũng không hề rẻ, phổ biến ở mức 500.000–600.000 đồng/kg.
Một công ty hải sản tại Vân Đồn hiện đang phân phối hộp sá sùng khô 500g với giá 5 triệu đồng, tương đương 10 triệu đồng/kg. Thị trường tiêu thụ mở rộng không chỉ trong nước mà còn ra nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, nơi sá sùng được xem là nguyên liệu quý để nấu súp hoặc dùng làm gia vị cao cấp.
Theo nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, sá sùng là thực phẩm chứa hàm lượng đạm cao, đặc biệt giàu acid amin và khoáng chất. Cụ thể, có đến 18 loại acid amin, trong đó có 8 loại cơ thể không thể tự tổng hợp và 17 nguyên tố khoáng quý hiếm trong mỗi con sá sùng. Những thành phần này giúp sá sùng không chỉ nổi bật về mặt ẩm thực mà còn có giá trị cao trong cả Đông y lẫn y học hiện đại, với các tác dụng như bồi bổ khí huyết, tăng cường thể lực và cải thiện tiêu hóa.
![]() |
Sá sùng khô có loại lên tới 10 triệu đồng/kg. Ảnh minh họa |
Sự “lên ngôi” của sá sùng kéo theo áp lực khai thác ngày một tăng. Nhiều năm qua, các vùng cát ven biển từng là nơi sinh sống lý tưởng của loài giun biển này đã dần bị khai thác kiệt quệ. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm biển và biến đổi khí hậu khiến môi trường sống của sá sùng bị thu hẹp đáng kể.
Từ năm 2016, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định bảo tồn sá sùng, với việc triển khai mô hình nuôi thử nghiệm tại các khu vực như Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Sản xuất giống thủy sản tỉnh đang quản lý khoảng 10 ha diện tích nuôi sá sùng. Tuy nhiên, sản lượng nuôi vẫn ở mức thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, dẫn đến giá cả tiếp tục leo thang.