Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký ban hành sắc thuế mới, áp thuế nhập khẩu lên một loạt đối tác thương mại của Mỹ trên toàn thế giới. Đáng chú ý, Việt Nam chịu mức thuế đối ứng 46% – một trong những mức cao nhất trong số hàng chục nền kinh tế bị ảnh hưởng. Động thái này ngay lập tức trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư và doanh nghiệp xuất khẩu.
Trong bối cảnh thị trường tài chính và thương mại toàn cầu đang xáo trộn trước chính sách mới từ Washington, Cafe Cùng Chứng ngày 3/4 (chương trình do Chứng khoán SSI tổ chức) đã mang đến các phân tích về tác động của quyết định này đến nền kinh tế Việt Nam và chiến lược ứng phó, đặc biệt là phân tích về xu hướng của dòng vốn FDI trong tương lai.
Chương trình có sự tham gia của ông Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc SSI Research, Trưởng ban Đào tạo và Phát triển tại CTCP Chứng khoán SSI.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký ban hành sắc thuế mới, áp thuế nhập khẩu lên một loạt đối tác thương mại của Mỹ trên toàn thế giới |
Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố chính sách áp thuế đối ứng lên hàng loạt đối tác thương mại, nhiều nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm đến xu hướng dịch chuyển của dòng vốn FDI cũng như tác động của chính sách này đối với ngành bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam.
Làm rõ hơn vấn đề này, ông Phạm Lưu Hưng cho biết, việc Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam, không đồng nghĩa với một sự dịch chuyển ngay lập tức trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các quyết định đầu tư của doanh nghiệp FDI mang tính chiến lược và dài hạn, không thể thay đổi chỉ vì một chính sách thuế mới xuất hiện trong ngắn hạn. Khi thuế suất được áp lên tới 60 quốc gia, rất khó để tìm ra một thị trường thay thế hoàn toàn Việt Nam trong chuỗi cung ứng và xuất khẩu.
“Bởi vì thực ra khi mà áp thuế tới tận 60 nước như thế này thì nếu giả sử các bạn là một nhà đầu tư FDI thì không thể tìm ra nổi một quốc gia nào có thể thay thế được Việt Nam”, ông Phạm Lưu Hưng nhận định.
Do đó, tác động của chính sách thuế này đến dòng vốn FDI có thể không quá lớn, đặc biệt là đối với lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Thực tế cho thấy, xu hướng đầu tư vào Việt Nam vẫn đang duy trì ổn định với mức giải ngân tăng trưởng đều đặn. Đáng chú ý, nhiều dự án FDI hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Với mức đầu tư chỉ từ vài chục đến khoảng 100 triệu USD, các doanh nghiệp đã có thể xây dựng những nhà máy sản xuất hiện đại tại Việt Nam.
Ngoài ra, không thể đánh đồng quy mô vốn đầu tư với diện tích đất thuê. Một dự án 70 triệu USD chưa chắc đã sử dụng ít đất hơn một dự án trị giá 1 tỷ USD, bởi phần lớn chi phí đầu tư nằm ở hệ thống máy móc, thiết bị hơn là diện tích mặt bằng. Trong bối cảnh quỹ đất sạch ngày càng khan hiếm và khả năng hấp thụ của thị trường Việt Nam có giới hạn, ngay cả khi dòng vốn FDI có dấu hiệu chững lại, số lượng dự án vẫn có thể tiếp tục tăng. Điều này tiếp tục tạo ra động lực tích cực cho ngành bất động sản khu công nghiệp, bởi chỉ cần một sự dịch chuyển ở quy mô nhỏ cũng đủ tạo ra tác động đáng kể đối với thị trường Việt Nam.
Phiên giao dịch sáng ngày 3/4/2025 ghi nhận cú giảm mạnh hiếm thấy trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết phiên sáng, VN-Index lao dốc hơn 82 điểm, xuống vùng 1.235 điểm – xóa sạch thành quả tích lũy suốt 3 tháng qua.
Áp lực bán lan rộng trên toàn thị trường, đặc biệt tại nhóm doanh nghiệp xuất khẩu như gỗ, dệt may, thủy sản, cao su và cả nhóm khu công nghiệp – vốn có mức độ phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ. Hàng loạt mã cổ phiếu trong nhóm này đã giảm sàn: BCM, GVR, KBC giảm khoảng 6,9% hay MSH, PHR, STK, ANV, IDI, TRC đồng loạt giảm kịch sàn 7%.