![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Dẫn tin VnExpress, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận sẽ khôi phục mức thuế nhập khẩu cao từ ngày 1/8, dời ba tuần so với hạn chót cũ (9/7), đồng thời giữ nguyên lập trường cứng rắn rằng đàm phán thì vẫn đàm nhưng thuế vẫn sẽ tăng nếu không đạt thỏa thuận.
Thông báo chính thức được đưa ra ngày 6/7, khi Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick tuyên bố thuế cao sẽ có hiệu lực từ đầu tháng sau. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cũng xác nhận: “Tổng thống sẽ gửi thư cảnh báo thuế cho hàng chục đối tác. Ai không phản hồi, từ 1/8 sẽ chịu thuế như mức từng được công bố hồi tháng 4”. Khi đó, ông Trump đe dọa áp 10–50% thuế lên tất cả các nước xuất khẩu vào Mỹ.
Trên thực tế, Mỹ hiện vẫn đang chờ các động thái thiện chí từ các nước, đặc biệt là nhóm đối tác lớn về thương mại, nên chỉ áp mức thuế 10% trong 90 ngày – đủ thời gian để đàm phán. Giờ đây, với việc gia hạn thêm 3 tuần, ông Trump tạo thêm khoảng trống vừa đủ để giữ vị thế chính trị – nhưng cũng đủ ngắn để gây áp lực.
Trước đó, trả lời báo giới tại căn cứ liên hợp Andrews ở bang Maryland ngày 4/7, ông Trump đã khẳng định sẽ gửi thư thông báo thuế nhập khẩu cho các nước trong 5 ngày tới. Mỗi ngày gửi đến 10-12 quốc gia.
Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump khẳng định: “Mọi quốc gia đứng về phía BRICS và các chính sách chống Mỹ sẽ bị áp thêm 10% thuế. Không có ngoại lệ”. Phát ngôn này được xem là nhắm đến các nền kinh tế mới nổi đang ngả về nhóm đối trọng BRICS, vốn chiếm tới 40% dân số toàn cầu và đang có tham vọng tái định hình trật tự kinh tế quốc tế.
Hiện Ấn Độ là ứng viên đầu tiên có thể “thoát đòn” thuế sau đàm phán – một hiệp định thương mại nhỏ đang chờ được công bố trong vòng 48 giờ. Thái Lan cũng tranh thủ đưa ra đề nghị tăng mua máy bay Boeing và năng lượng Mỹ để đổi lấy nhượng bộ thuế.
Với quyết định gia hạn đến 1/8, Nhà Trắng vừa đặt ra một thời điểm tối hậu thư, vừa mở ra cửa đàm phán mang tính sống còn cho nhiều nền kinh tế. Một lần nữa, chính sách thương mại của Trump không thay đổi bản chất – gây sức ép tối đa để đạt mục tiêu “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” bằng những thỏa thuận thương mại theo cách của riêng ông.
Trước đó, ông Trump nhiều lần nói rằng Ấn Độ sắp đạt được thỏa thuận và bày tỏ hy vọng có thể ký kết một hiệp định với EU. Tuy nhiên, ông lại tỏ ra nghi ngờ về khả năng đạt thỏa thuận với Nhật Bản.
Theo kênh truyền hình Ấn Độ CNBC-TV18, Ấn Độ và Mỹ dự kiến đưa ra quyết định cuối cùng về một thỏa thuận thương mại nhỏ trong 48 giờ tới. Kênh này đưa tin mức thuế trung bình áp lên hàng hóa Ấn Độ xuất sang Mỹ sẽ là 10%.
Thái Lan hiện cũng đề xuất mở cửa thị trường hơn nữa cho nông sản và hàng hóa công nghiệp Mỹ, đồng thời tăng mua năng lượng và máy bay Boeing, Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira nói với Bloomberg hôm 6/7.
Với Việt Nam, những động thái tích cực cũng đã được ghi nhận sau cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Trump hồi đầu tháng 7.