Kết phiên, VN-Index giảm 15,3 điểm, xuyên phá các mốc 1.225, 1.215 và đóng cửa tại mức 1.2.12 điểm. Đây đã là phiên giảm thứ 3 liên tiếp kể từ khi chỉ số vượt 1.230, đồng thời cũng là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số kể từ phiên 31/1.

Pha 'đánh úp' sau 14h, VN-Index giảm mạnh do đâu?
Diễn biến chỉ số VN-Index

Đóng cửa, sắc đỏ "nuốt chửng" thị trường với 700 mã giảm giá và chỉ hơn 300 mã tăng giá. Không còn bất kỳ nhóm ngành nào giữ được sắc xanh sau 14h45, ngoại trừ thủy sản (tăng nhẹ 0,62%).

Rổ VN30 từ trạng thái xanh chủ đạo đóng cửa có tới 27 mã giảm giá. Chỉ SSB, VJC và BID thoát nạn, trong đó SSB đứng tham chiếu, VJC tăng 0,2% và BID tăng 4,5%.

Phần còn lại, hàng loạt mã ngân hàng chuyển đỏ khiến không ít cổ đông xuống lệnh trong phiên sáng bị hớ. Có tới 20 cổ phiếu VN30 giảm trên 1%, 11 mã giảm trên 2%. Riêng bộ 3 cổ phiếu nhà Vin giảm từ 3,3-5%, qua đó lấy của VN-Index gần 4,2 điểm.

Pha "quay xe" của nhóm ngân hàng khiến nỗ lực của cổ phiếu BID là không đủ giữ chỉ số ngành tăng điểm. Trong khi đó, đà bán chốt lời ở nhóm cổ phiếu trụ Vingroup khiến nhóm bất động sản giảm tới 3,25%.

Pha 'đánh úp' sau 14h, VN-Index giảm mạnh do đâu?
Diễn biến các chỉ số ngành phiên 23/2

Trong phiên VN-Index đảo chiều giảm mạnh, khối ngoại tiếp tục bán ròng với tổng giá trị bán trên toàn thị trường gần 800 tỷ đồng (phiên trước đó bán ròng 920 tỷ).

MWG cùng loạt cổ phiếu nhóm tài chính như TPB, VIX, VPB bị xả bán hàng triệu cổ phiếu. Trong đó, VIX và VPB bị bán ra lần lượt 7,9 và 9,9 triệu đơn vị.

Duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch, tuy nhiên, quãng thời gian sau 14h thử thách tâm lý của cả phe cầm cổ phiếu và phe cầm tiền mặt. Chỉ trong chưa đầy 30 phút, VN-Index giảm hơn 10 điểm và nhanh chóng hồi về sát tham chiếu trước khi có thêm nhịp giảm mạnh hơn.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, mốc kháng cự 1.250 điểm không quá lo ngại trong bối cảnh vĩ mô trong nước tương đối ổn định, kịch bản về pha giảm hơn 200 điểm của VN-Index trong giai đoạn nửa sau tháng 9 đến cuối tháng 10 là không khả thi.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng vùng 1.225 +/-5 điểm sẽ là thử thách của chỉ số. Thị trường cần tích lũy đủ thời gian ở giai đoạn này để tiến tới mục tiêu tăng trưởng bền hơn.

Thông tin lưu ý: Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm trong phiên 21/2 đã tăng lên 4,14%, từ mức 2,15% của phiên trước đó. Đây là phiên tăng mạnh thứ 3 liên tiếp đồng thời là mức cao nhất kể từ cuối tháng 5/2023.

Lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh và mạnh với kỳ hạn qua đêm còn cao hơn các kỳ hạn 1 tuần – 3 tháng, đi cùng doanh số giao dịch duy trì ở mức cao cho thấy thanh khoản hệ thống có dấu hiệu căng thẳng trong ngắn hạn, song có thể sẽ sớm hạ nhiệt trong những phiên tới.

Theo đánh giá, việc lãi suất liên ngân hàng tăng đi cùng với nhu cầu vay mượn qua kênh OMO xuất hiện trở lại sau nhiều tháng "đóng băng" cho thấy thanh khoản hệ thống đã không còn quá dư thừa.

Ở một phương diện khác, lãi suất qua đêm liên ngân hàng tăng mạnh cũng góp phần giảm áp lực lên tỷ giá - vốn chịu nhiều sức ép trong bối cảnh đồng bạc xanh hồi phục mạnh trên thị trường quốc tế.