Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam đều khát khao phát triển mạnh mẽ

Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2022, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm phần khoảng 69%; doanh nghiệp nhỏ chiếm khoảng 25%; còn lại doanh nghiệp quy mô vừa 3,5% và doanh nghiệp lớn giảm nhẹ từ 2,8% giai đoạn 2017-2020 xuống 2,6%.

'Phải coi doanh nghiệp là đội bóng, mỗi vị trí trên sân phải có người chuyên ngành'
Số lượng doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam chiếm tỷ lệ đến 96%

Tuy đông đảo, song doanh nghiệp nhỏ lại là nhóm doanh nghiệp dễ gặp tổn thương khi có các cú sốc kinh tế hoặc thị trường biến động bất lợi, thường khó tồn tại sau 5 năm. Bởi nhóm doanh nghiệp này hầu hết phát triển tự phát, đi lên từ nghề chuyên môn và thiếu các kiến thức về quản trị, tài chính, xây dựng thương hiệu cũng như tìm kiếm và sử dụng nhân tài.

Theo TS. Tô Nhật, nhà sáng lập Trường đào tạo doanh nhân Success Business (Success Business School), Phó chủ tịch sáng lập tập đoàn AMACCAO, Chủ tịch SBK Holdings, chủ doanh nghiệp đi lên từ chuyên môn, từ nghề là những người có sẵn chuyên môn nào đó, như xây dựng, cơ khí, marketing, tài chính, nhân sự, hay xuất thân từ làng nghề… và họ thường có 3 nhược điểm lớn cản trở con đường lập nghiệp bền vững.

Cụ thể, thứ nhất những người này thường ôm đồm, không tin ai hoặc không có ai để cùng khởi nghiệp. Trong khi đó, nếu xác định làm doanh nghiệp thì phải coi doanh nghiệp là một đội bóng, tức mỗi vị trí trên sân phải có người chuyên ngành.

“Ông chủ doanh nghiệp phải ở ghế Huấn luyện viên hoặc Chủ tịch đội bóng, thuê huấn luyện viên để đội bóng vận hành thôi. Nhưng thực tế, nhiều người lại làm tất cả các vị trí này, đây cũng chính là nỗi đau của những doanh nhân “khổ chủ” này. Họ tưởng mở doanh nghiệp ra sẽ được làm chủ, nhưng sau cùng họ lại là nô lệ cho chính doanh nghiệp mình”, TS. Tô Nhật cho biết.

Thứ hai, họ thường không tập trung làm thương hiệu, ít chú ý đến marketing và truyền thông, chỉ làm chuyên môn, sản xuất và bán hàng. Đó là lý do vì sao họ không bền vững, mong manh dễ vỡ, chỉ dựa vào nhận diện của một (thường là của người chủ) hoặc vài người để bán hàng khiến doanh số thấp, bấp bênh, khó bứt phá.

Thứ ba là năng lực lãnh đạo hạn chế bởi chủ doanh nghiệp không có tầm nhìn, không có khả năng dẫn dắt truyền cảm hứng, động lực cho đội ngũ, bản thân họ cũng chỉ nghĩ tới cơm áo gạo tiền, tự giới hạn chính bản thân mình, không thu hút và giữ chân được nhân tài.

Dù còn tồn tại nhiều nhược điểm, nhưng theo ông Trần Quang Huấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty thiết kế và xây dựng Chính Nam, các doanh nhân đi lên từ chuyên môn cũng có nhiều ưu thế như am hiểu sâu sắc về sản phẩm, có được niềm tin vững chắc của những khách hàng, mô hình khởi nghiệp tinh gọn, linh hoạt, dễ dàng đi theo đúng xu hướng của thị trường.

'Phải coi doanh nghiệp là đội bóng, mỗi vị trí trên sân phải có người chuyên ngành'
Các doanh nhân đi lên từ chuyên môn cũng có nhiều ưu thế

Theo các chuyên gia nhận định, rất nhiều các doanh nhân, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam đều khát khao phát triển mạnh mẽ, để được đứng vào nhóm các doanh nghiệp lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế cất cánh.

Do đó, ngay khi khởi phát tư tưởng muốn doanh nghiệp mở rộng và tăng trưởng đột phá, những doanh nhân này cần phải chuyển đổi mô hình, thay đổi cách điều hành thông qua việc nhanh chóng bổ sung kỹ năng quản trị, học tập bài bản hoặc tìm kiếm người hỗ trợ chuyên môn.

Doanh nghiệp muốn phát triển phụ thuộc rất lớn vào ý chí, khao khát, tầm nhìn của người chủ

Cũng theo TS. Tô Nhật, cho dù chủ doanh nghiệp có đi lên từ chuyên môn nhưng quan trọng vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào ý chí, khao khát, tầm nhìn của người chủ.

“Hơn lúc nào hết, doanh nhân phải học cưỡi sóng để đưa doanh nghiệp vượt sóng thành công”, ông Nhật khẳng định.

Minh chứng, các doanh nghiệp lớn như Samsung, khi ông Lee Byung-Chul khởi nghiệp thì đó chỉ là công ty xay xát gia đình, xác định tầm nhìn và sứ mệnh là "kinh doanh để phụng sự Tổ quốc".

Nhưng sau 50 năm, ông Lee Kun-Hee lên thay thế, lúc này Samsung đã là doanh nghiệp số 1 của Hàn Quốc, để rồi đến khi ông Lee Kun-Hee thay đổi tầm nhìn của Samsung thành "kinh doanh để phục vụ nhân loại", đặt mục tiêu đưa Samsung thành công ty số 1 thế giới và phải làm được điều đó trong thế kỷ 20. Cuối cùng, chỉ sau 15 năm, Samsung đã vào top 37 công ty lớn nhất thế giới.

Đồng quan điểm, ông Phan Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tôn thép Việt Pháp cho hay: “Buôn có bạn, bán có phường - cha ông ta đã dạy rồi. Chúng ta vẫn là những doanh nghiệp non trẻ của Việt Nam và trên thế giới, do đó, để có thể phát triển, chúng ta cần bỏ qua cái Tôi, hạn chế cái "Tôi biết rồi", phải tự đào tạo, rút kinh nghiệm cho bản thân, phối hợp được với nhau”.

Trong khi đó, ông Trần Quang Huấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty thiết kế và xây dựng Chính Nam khẳng định một doanh nghiệp thay đổi phụ thuộc 90% vào ông chủ, còn ông chủ thay đổi lại phụ thuộc 90% vào những kiến thức, trí thức.

"Để có được kiến thức, tri thức đó, chắc chắn phải qua quá trình học, như học online, qua sách, qua clip chuyên gia chia sẻ và nhanh nhất là qua những người thầy. Đó là con đường mà doanh nghiệp trẻ muốn thành công phải thực hiện", ông Huấn chia sẻ.