CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa Group) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2024 với nhiều điểm nhấn đáng chú ý. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt trên 1.000 tỷ đồng, song đi kèm là áp lực nợ vay lớn, đặc biệt từ trái phiếu doanh nghiệp là những điểm đáng chú ý.

Phenikaa lãi trước thuế nghìn tỷ, gánh nợ vay 7.600 tỷ đồng

Theo báo cáo, năm 2024, Phenikaa Group ghi nhận:

  • Lợi nhuận trước thuế đạt 1.080 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023.

  • Lợi nhuận sau thuế gần 858 tỷ đồng, tăng trưởng 45,5%.

  • Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 9,4%.

Tính đến hết năm 2024, vốn chủ sở hữu đạt 9.155 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng so với đầu năm.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi nhuận tích cực, Phenikaa đang phải đối mặt với áp lực nợ đáng kể:

  • Tổng nợ phải trả vượt 7.640 tỷ đồng, chiếm 83% vốn chủ sở hữu.

  • Nợ trái phiếu đang lưu hành đạt 1.420 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm.

  • Nợ phải trả khác đạt 2.288 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với đầu kỳ.

Hiện Phenikaa đang lưu hành 4 lô trái phiếu tổng giá trị 1.420 tỷ đồng, cụ thể:

  • PKACH2330001: 600 tỷ đồng, phát hành 14/12/2023, đáo hạn 12/2030.

  • PKACH2330002: 300 tỷ đồng, phát hành 14/12/2023, đáo hạn 12/2030.

  • PKACH2432431001: 320 tỷ đồng, phát hành 8/11/2024, đáo hạn 11/2031.

  • PKACH2432431002: 200 tỷ đồng, phát hành 8/11/2024, đáo hạn 11/2031.

Phenikaa Group của đại gia Hồ Xuân Năng báo lãi khủng 1.080 tỷ đồng, đang gánh nặng nợ vay 7.600 tỷ
Các chỉ tiêu tài chính của Phenikaa

Phenikaa Group tiền thân là Công ty Cổ phần Cảnh Phúc, thành lập tháng 10/2010 với vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng. Khi đó, bà Nghiêm Thị Ngọc Diệp là người đại diện pháp luật, sở hữu 99% cổ phần. Đến tháng 6/2013, ông Nguyễn Quốc Dung trở thành cổ đông lớn nắm 99% vốn.

Dấu mốc chuyển mình rõ rệt bắt đầu từ năm 2017 khi ông Hồ Xuân Năng được ghi nhận là Chủ tịch HĐQT. Vốn điều lệ công ty tăng dần qua các năm:

  • 2017: tăng lên 1.600 tỷ đồng,

  • Cuối 2017: tăng lên 2.100 tỷ đồng,

  • 2019: đạt 3.000 tỷ đồng.

Hiện Phenikaa Group là công ty mẹ của CTCP Vicostone (mã chứng khoán VCS), doanh nghiệp niêm yết trên sàn với sản phẩm đá nhân tạo cao cấp. Phenikaa đang nắm giữ hơn 134,6 triệu cổ phiếu VCS, tương đương tỷ lệ sở hữu 84,15%.

Phenikaa định hình chiến lược phát triển tập đoàn theo mô hình "3 Nhà":

  • Nhà sản xuất – kinh doanh: Vicostone là đầu tàu ngành công nghiệp vật liệu.

  • Nhà giáo dục: Trường Đại học Phenikaa, Trường THCS Lê Quý Đôn – Tây Đô.

  • Nhà khoa học: Viện Nghiên cứu và Công nghệ Phenikaa cùng nhiều tổ chức nghiên cứu trực thuộc.

Hệ sinh thái này hiện có hơn 30 đơn vị thành viên hoạt động trong 3 lĩnh vực công nghiệp, công nghệ và giáo dục.

screenshot-2024-09-01-at-04.12.21.png

Ông Hồ Xuân Năng và thương vụ thâu tóm kinh điển trong ngành đá ốp lát

Ngày nay, ông Hồ Xuân Năng gắn liền với hệ sinh thái Vicostone và Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikee). Ngoài ra, ông Hồ Xuân Năng còn là đại diện theo pháp luật của nhiều doanh nghiệp khác như CTCP Nghiên cứu và Kiểm nghiệm thuốc AQP, CTCP Y học Vĩnh Thiện, Viện Nghiên cứu & Công nghệ Phenikaa, cùng nhiều tổ chức giáo dục như Đại học Phenikaa và trường THCS Lê Quý Đôn - Tây Đô.

Ông Hồ Xuân Năng sinh năm 1964, tốt nghiệp ngành kỹ thuật và thạc sĩ kinh doanh tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông từng làm cán bộ nghiên cứu tại Viện Cơ điện Nông nghiệp và Chế biến nông sản (1992–1996), sau đó làm Giám đốc sản xuất Nhà máy ô tô Ford tại Hải Dương.

Năm 1999, ông gia nhập nhà máy đá ốp lát Vinaconex và nhanh chóng thăng tiến:

  • 2001: Phó Chánh văn phòng kiêm Thư ký Chủ tịch Vinaconex,

  • 2004: Giám đốc Nhà máy đá ốp lát cao cấp Vinaconex – tiền thân của Vicostone.

Năm 2005, Vicostone hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Vinaconex sở hữu 60%. Đến năm 2013, công ty chính thức mang tên CTCP Vicostone.

Tháng 6/2014, ông Hồ Xuân Năng được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vicostone.

Một năm sau ngày ông Năng nhậm chức, thương vụ tài chính đình đám đã diễn ra: Phenikaa thâu tóm ngược 58% vốn Vicostone.

Tiếp đó, trong năm 2015 nhóm cổ đông Phenikaa có “động thái” yêu cầu, và HĐQT Vicostone chấp thuận để Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vicostone – ông Hồ Xuân Năng – mua lại 90% cổ phần tại Phenikaa.

Những động thái này đưa ông Năng trở thành người kiểm soát cả Phenikaa Group và Vicostone. Từ năm 2017, ông rút khỏi vai trò Tổng Giám đốc Vicostone, nhường lại cho ông Phạm Anh Tuấn, song vẫn giữ cương vị Chủ tịch.

Câu chuyện thâu tóm ngược và những diễn biến tiếp theo sau đó giúp ông Hồ Xuân Năng “thâu tóm” cùng lúc Phenikaa và Vicostone trong tay đã trở thành một bài học kinh doanh kinh điển.