Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết ngành Tài chính chiều 27/12, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng Nghị định 08 có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn thanh toán trái phiếu doanh nghiệp hiện sắp hết thời hạn áp dụng (ngày 31/12/2023).

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo việc sửa Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu. Ảnh VGP

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính cần đánh giá lại khi một số quy định trong Nghị định này, xem xét có tiếp tục nữa hay không vì hết năm 2023 là hết hiệu lực thi hành. Theo đó, từ nay đến hết năm 2023, Bộ Tài chính phải sớm báo cáo với Chính phủ.

Liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính rà soát, đánh giá khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu đến hạn trong năm 2024. Bộ này cần xây dựng kịch bản dự phòng để xử lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan.

Qua đó, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ, củng cố, khôi phục, tăng cường niềm tin của nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, minh bạch, lành mạnh, bền vững, phát huy vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo việc sửa Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo việc sửa Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp

Về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong năm sau, chỉ đạo tại hội nghị Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh năm 2024 vẫn đầy khó khăn, thách thức. Do đó, ông yêu cầu Bộ Tài chính có các giải pháp chính sách thuế, phí, lệ phí phù hợp để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần lưu ý bổ sung các luật thuế để mở rộng cơ sở thu, trong đó khai thác thuế từ các hoạt động thương mại điện tử, đất đai, cơ sở hạ tầng, dịch vụ ăn uống, giải trí... Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, áp dụng các giải pháp, công cụ phân tích dữ liệu phù hợp để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi giả mạo, gian lận về hóa đơn.

Về thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2023, thông tin tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết khi kinh tế khó khăn, Chính phủ đã triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, giảm 10-50% với 36 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối 2023.

Tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân khoảng 193.400 tỷ đồng. Trong đó, miễn, giảm khoảng 78.400 tỷ đồng; gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng. Riêng chính sách giảm 36 khoản phí, lệ phí, Bộ Tài chính dự kiến tác động giảm thu khoảng 700 tỷ đồng.

Về nhiệm vụ thu ngân sách, đến ngày 25/12 đạt 1,69 triệu tỷ đồng, vượt 4,5% so với dự toán. Trong đó, thu từ dầu thô tăng mạnh 44,6% do giá dầu trong năm neo ở mức cao. Tuy nhiên, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm, chỉ đạt 92,1% dự toán, dẫn đến tổng thu ngân sách năm nay giảm 4,2% so cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, tổng số chi ngân sách bằng 83,4% dự toán, khoảng 1,73 triệu tỷ đồng. Chi đầu tư phát triển tăng 144.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 33% so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, khoản chi này chưa đạt kế hoạch, chỉ đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng giao.

Ước tính năm 2023, bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 4% GDP, giảm 40.300 tỷ đồng so với dự toán, thấp hơn mức Bộ Tài chính dự toán trước đó 4,42%, nhưng đánh dấu mức tăng trở lại sau dịch Covid-19.