Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí - PV Drilling (Mã PVD) vừa cập nhật ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2023 khoảng 400 tỷ đồng, gấp 4 lần kế hoạch đề ra - mức cao nhất kể từ khoản lãi 1.750 tỷ đạt được năm 2015.

Tính riêng quý IV, công ty ước lãi sau thuế 56 tỷ đồng.

Năm 2023, PVD đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 5.400 tỷ và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng.

Trước đó năm 2022, doanh nghiệp dầu khí này báo lỗ 155 tỷ đồng.

Tổng công ty cho biết giai đoạn sắp tới, đứng trước nhu cầu tăng trưởng năng lượng toàn cầu và các dấu hiệu thị trường phục hồi mạnh mẽ PVD sẽ tập trung đầu tư thêm giàn khoan và máy móc thiết bị để kịp thời nắm bắt các cơ hội việc làm.

Trong báo cáo tháng 11, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) PVD chia sẻ với dự báo nhu cầu giàn khoan tăng cao cho đến năm 2025, PVD dự định sẽ đầu tư thêm giàn khoan theo hình thức mua một giàn khoan đang có sẵn trên thị trường. Với chi phí ước tính vào khoảng hơn 200 triệu USD, công ty sẽ dùng 30% vốn tự có và vay thêm 70%.

PVD sở hữu 6 giàn khoan (PV Drilling I, II, III, VI, PV Drilling 11 và TAD Drilling V). PVD cho biết các giàn khoan vận hành xuyên suốt đến hết năm 2024, một số giàn có công việc đến năm 2025.

Dự kiến trong năm 2024, nhu cầu giàn khoan trong nước sẽ tăng trưởng đến từ các dự án: 12 giếng khoan Đại Hùng JOC, 8 giếng khoan Lạc Đà Vàng (Murphy), Cá Tầm & Kình ngư trắng (Vietsopetro), Phú Quốc JOC, Sư tử trắng thuộc Cửu Long JOC.

PVD dự kiến nhu cầu giàn khoan tự nâng tại thị trường Việt Nam trong năm 2023 sẽ vào khoảng 7-8 giàn khoan và trong năm 2024 sẽ tăng lên 9 giàn.