CTCP Máy - Thiết bị Dầu khí - PVMachino (Mã PVM - UPCoM) công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2022 với ghi nhận doanh thu tăng 23% so với cùng kỳ lên mức 1.036 tỷ - tương đương 86,3% kế hoạch cả năm.

Tuy nhiên, do chi phí hoạt động tăng lên (chủ yếu là chi phí tài chính) trong khi doanh thu tài chính và thu nhập khác giảm đáng kể so với năm 2021 dẫn đến lợi nhuận ròng của PVM giảm 24% về còn 41,3 tỷ - mức thấp nhất kể từ năm 2019.

Đáng nói, con số lợi nhuận này đã khiến công ty đứt mạch tăng trưởng lợi nhuận kể từ năm 2013 trở lại đây.

PVMachino sau 2 năm

Trích lập dự phòng hơn 50% khoản đầu tư cổ phiếu TCB

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của PVM ghi nhận mức 782,4 tỷ đồng trong đó danh mục chứng khoán kinh doanh ghi nhận giá trị gốc đầu tư giữ nguyên ở mức gần 25 tỷ song trích lập dự phòng đã tăng gấp 7,5 lần đầu năm lên mức 13 tỷ đồng. Công ty không thuyết minh chi tiết về khoản đầu tư này.

Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, phía công ty cho biết đang đầu tư gần 25 tỷ đồng đối với 465.000 cổ phiếu TCB của ngân hàng Techcombank nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

8 năm chưa thu hồi nổi một đồng nợ xấu ở 2 doanh nghiệp

Cùng với việc tăng trích lập giảm giá chứng khoán đầu tư, PVMachino hiện đang phải trích lập dự phòng khoản nợ xấu ngắn hạn 163,6 tỷ đồng. Danh mục trích lập này thực tế đã được ghi nhận kể từ năm 2013 với giá trị 51 tỷ đồng trước khi tăng lên mức kỷ lục 237,3 tỷ trong năm 2019.

PVMachino sau 2 năm
Thuyết minh tài sản của PVM tại BCTC kiểm toán 2022

Đến cuối năm 2022, PVM đã phải trích lập toàn bộ khoản phải thu gần 97 tỷ đồng tại CTCP Xuất nhập khẩu Tân Hồng. Riêng với CTCP Tập đoàn Vina Megastar, bên cạnh việc trích lập dự phòng toàn bộ 33,6 tỷ đồng phải thu, công ty cũng đã tiến hành khởi kiện Ngân hàng Đông Nam Á - bên bảo lãnh thực hiện thanh toán của Vina Megastar tại Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm.

Theo tìm hiểu của người viết, riêng hai khoản nợ xấu tại Tân Hồng và Vina Megastar bắt đầu xuất hiện trong báo cáo tài chính kiểm toán của PVMachino từ năm 2015 với giá trị gốc phải thu như thời điểm hiện tại. Như vậy, đã 8 năm trôi qua, PVM vẫn bất lực trong việc thu hồi nợ xấu tại 2 công ty này.

PVMachino sau 2 năm
Thuyết minh nợ xấu của PVM tại BCTC kiểm toán 2022

Đáng nói, hiện khoản phải thu gần 97 tỷ đồng tại Xuất nhập khẩu Tân Hồng đang được PVM dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản lãi vay ngắn hạn phải trả tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (giá trị gốc vay đến ngày 31/12/2022 là 23,3 tỷ đồng).

PVMachino sau 2 năm
Ý kiến ngoại trừ của kiểm toán

Trở lại với tình hình tài chính của PVM, nợ phải trả đến cuối năm 2022 được giữa ở mức an toàn với 273 tỷ đồng (182 tỷ là vay nợ tài chính) trong khi vốn chủ sở hữu gần 510 tỷ.

PVMachino là doanh nghiệp hoạt động với mảng xuất nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng vật tư - có vốn điều lệ 386 tỷ đồng.

Tháng 3/2021, thương vụ thoái vốn của Tổng CTCP Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power (Mã POW - HOSE) tại PVM đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Cụ thể từ 17 - 19/3/2021, POW đã thoái toàn bộ 51,58% vốn tại PVM với giá bình quân khoảng 27.600 đồng/cổ phiếu qua đó thu về khoảng 540 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVM hiện giao dịch tại mức 14.400 đồng (phiên sáng 20/3/2023) - gấp hơn 2 lần so với giá đóng của trong phiên chào sàn (7.000 đồng) hồi cuối năm 2016.

PVMachino sau 2 năm
Diễn biến giá cổ phiếu PVM

Ghi nhận tại báo cáo tình hình quản trị năm 2022, PVMachino hiện chỉ có 2 cổ đông lớn là bà Nguyễn Anh Thư (nắm 6,5 triệu cổ phần - tỷ lệ 16,91%) và bà Lê Thị Kiều Vân - Trưởng Ban Kiểm soát (nắm 7 triệu cổ phần - tỷ lệ 18,12%).

Hiện nay, ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (Mã SHS) đang là Chủ tịch HĐQT của công ty.