Một nhóm nhà khoa học tại Đại học Cambridge và University College London (Anh) vừa phát triển thành công một loại da nhân tạo có khả năng mô phỏng cảm giác của con người, cho phép robot nhận biết áp lực, nhiệt độ và thậm chí cả tổn thương vật lý. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science Robotics.
Lớp da đặc biệt này được chế tạo từ hydrogel gelatin, một vật liệu mềm, dẻo, dẫn điện và có khả năng tạo hình linh hoạt. Khi kết hợp với hệ thống điện cực chuyên biệt, lớp da có thể ghi nhận tín hiệu từ hàng trăm nghìn đường dẫn điện bên trong, mang lại cho robot khả năng cảm nhận tiếp xúc ở mức độ tinh vi.
![]() |
Một nhóm nhà khoa học vừa phát triển thành công một loại da nhân tạo có khả năng mô phỏng cảm giác của con người |
Để đánh giá hiệu quả của sản phẩm, nhóm nghiên cứu đã gắn lớp da lên mô hình bàn tay robot và tiến hành nhiều thử nghiệm như thổi nóng bằng súng nhiệt, chọc bằng tay người và tay robot, thậm chí là rạch bằng dao mổ. Hơn 1,7 triệu đơn vị dữ liệu đã được ghi lại từ 860.000 đường dẫn, phục vụ cho việc huấn luyện trí tuệ nhân tạo nhận biết các kiểu tiếp xúc khác nhau.
Không giống các loại da điện tử trước đây vốn đòi hỏi nhiều cảm biến riêng biệt, phiên bản da mới chỉ sử dụng một cảm biến đa chức năng duy nhất. Điều này giúp đơn giản hóa thiết kế, tiết kiệm chi phí và hạn chế nhiễu tín hiệu.
Theo ông Thomas George Thuruthel, giảng viên chuyên ngành robot và trí tuệ nhân tạo tại University College London, công nghệ mới vẫn chưa đạt tới độ nhạy như da người nhưng hiện là một trong những giải pháp tiên tiến nhất trong lĩnh vực này. “Phương pháp này linh hoạt, dễ chế tạo và có thể hiệu chỉnh dựa trên xúc giác thật của con người” ông cho biết.
Da nhân tạo thế hệ mới hứa hẹn sẽ mở ra nhiều ứng dụng trong tương lai như chế tạo robot hình người có xúc giác, tay chân giả thông minh, thiết bị cứu hộ hay các công nghệ liên quan đến ô tô tự động. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng sự tương tác tự nhiên giữa con người và máy móc.