Kết quả kinh doanh quý I/2025 của các doanh nghiệp đang dần hé lộ, thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Bên cạnh chỉ tiêu lợi nhuận, số thuế nộp vào ngân sách nhà nước cũng trở thành tâm điểm quan tâm.

Trong đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán STB) nổi bật với nhiều diễn biến đáng chú ý, không chỉ ở câu chuyện lợi nhuận mà còn liên quan đến đề án tái cơ cấu đang được theo dõi sát sao.

Sacombank báo lãi gần 2.900 tỷ đồng trong quý I

Trong quý I/2025, Sacombank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.897 tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước. Một số mảng kinh doanh của ngân hàng có biến động đáng kể:

  • Thu nhập lãi thuần đạt 6.863 tỷ đồng, tăng 15,3%.
  • Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt hơn 1 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ.
  • Hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 307 tỷ đồng lợi nhuận, đi ngang so với cùng kỳ.
  • Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 728 tỷ đồng, tăng 25,8%.
screenshot-2025-05-07-at-13.31.00.png
Kết quả kinh doanh của Sacombank

Sacombank gây bất ngờ với số thuế thu nhập thực nộp

Đáng chú ý, cùng với đà tăng trưởng lợi nhuận, số thuế thu nhập mà Sacombank thực nộp trong quý I cũng tăng đột biến, đạt 1.228 tỷ đồng, tăng gần 30% so với mức 947 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024.

Đây là con số ấn tượng, tạo bất ngờ lớn của Sacombank sau khi gây chú ý năm 2024 với số thuế thực nộp hơn 2.500 tỷ đồng.

Ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp, Sacombank còn đóng góp thêm vào ngân sách nhà nước qua các khoản:

  • Thuế giá trị gia tăng (GTGT): 269 tỷ đồng.
  • Các loại thuế khác: 439 tỷ đồng.

Tổng cộng, trong quý I/2025, Sacombank đã nộp khoảng 1.937 tỷ đồng tiền thuế các loại vào ngân sách nhà nước.

screenshot-2025-05-07-at-13.44.31.png
Số thuế thu nhập thực nộp của Sacombank

Có hơn 9.900 tỷ đồng nợ xấu khả năng mất vốn

Một tiêu chí khác cũng đang được giới đầu tư đặc biệt quan tâm là tình hình nợ xấu của Sacombank. Tính đến ngày 31/3/2025, tổng dư nợ cho vay khách hàng của Sacombank đạt 564.327 tỷ đồng, tăng 4,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn.

Tổng nợ xấu (gồm nhóm 3, 4, 5) tại thời điểm cuối quý I/2025 đã vượt 14.100 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm (tương đương tăng 1.200 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 2,4% lên 2,5%.

Chi tiết cơ cấu nợ xấu:

  • Nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3): Hơn 1.437 tỷ đồng, giảm 2%.
  • Nợ nghi ngờ (nhóm 4): Hơn 2.754 tỷ đồng, tăng 5%.
  • Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5): Hơn 9.958 tỷ đồng, tăng mạnh 12%.

Đáng lưu ý, nợ có khả năng mất vốn đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ xấu và tăng vọt hơn 9% chỉ sau ba tháng đầu năm, cho thấy áp lực kiểm soát chất lượng tín dụng đối với Sacombank vẫn còn rất lớn.