Sau ngày lịch sử 1/7/2025, bản đồ kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn tái định hình mạnh mẽ. Khi những trung tâm cũ tiếp tục giữ vững vị thế, thì một số địa phương mới đang nổi lên như những "cực tăng trưởng" tiềm năng – đủ sức thay đổi trật tự vùng, định hình lại dòng chảy đầu tư và cấu trúc phát triển quốc gia trong thập kỷ tới. Ngược lại, nhiều tỉnh thành khác đang bị “nén đáy”, tụt lại phía sau nếu không có sự can thiệp quyết liệt và có trọng điểm.

Đây là những phát hiện nổi bật từ Chỉ số Vị thế Kinh tế cấp tỉnh (Provincial Economic Position Index – PEPI) 2025, một bộ chỉ số độc lập lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam bởi Vietstats, nhằm đo lường một cách hệ thống vị thế kinh tế tương đối của từng tỉnh, thành trong cấu trúc phát triển quốc gia.

Sắp xếp lại giang sơn: Cực tăng trưởng mới của Việt Nam đang trỗi dậy ở đâu?
Sắp xếp lại giang sơn: Cực tăng trưởng mới của Việt Nam đang trỗi dậy ở đâu? (Ảnh minh họa)

Kết quả PEPI 2025 cho thấy một sự phân hóa ngày càng rõ rệt giữa các địa phương. Ở tầng cao nhất, những cái tên quen thuộc như TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và Đồng Nai tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm kinh tế quốc gia. Các địa phương này đạt điểm số tuyệt đối cao trên cả ba trụ cột: khả năng kết nối toàn diện (giao thông, logistics, hạ tầng số), vị trí trong không gian phát triển (nằm tại các hành lang kinh tế trọng điểm), và quy mô sản xuất – tiêu dùng (GRDP lớn, độ tích tụ cao).

Đây chính là những cực tăng trưởng "lõi" – không chỉ dẫn đầu về tiềm lực nội tại mà còn đóng vai trò liên kết và điều phối mạng lưới kinh tế vùng, quốc gia.

Tuy nhiên, PEPI cũng chỉ ra sự xuất hiện của một lớp địa phương đang vươn lên mạnh mẽ như Bắc Ninh, Tây Ninh, Khánh Hòa và Lâm Đồng. Dù chưa có quy mô GRDP vượt trội, nhưng các tỉnh này sở hữu vị trí chiến lược về trung chuyển, có vai trò là cửa ngõ vùng hoặc điểm đệm kết nối giữa các trung tâm lớn. Nếu được đầu tư đúng hướng, nhóm này hoàn toàn có thể trở thành các cực tăng trưởng mới, thay đổi bản đồ kinh tế vùng trong tương lai gần.

Sắp xếp lại giang sơn: Cực tăng trưởng mới của Việt Nam đang trỗi dậy ở đâu?
Tổng điểm PEPI 2025 của các địa phương. Nguồn: Vietstats

Trái lại, nhiều tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang hay Cao Bằng đang xếp ở nhóm cuối bảng, phản ánh tình trạng hạn chế nghiêm trọng về hạ tầng, khả năng kết nối và quy mô kinh tế. Những tỉnh này có nguy cơ ngày càng lệch khỏi dòng chảy phát triển chính, đặt ra yêu cầu cấp bách về cơ chế hỗ trợ đặc thù và điều phối đầu tư công mang tính chiến lược.