Thu ngân sách 6 tháng vượt mốc 30.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng năm 2025 ước đạt 30.057 tỷ đồng, đạt 52% so với dự toán HĐND và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng số thu nội địa trên địa bàn tỉnh 21.100 tỷ đồng, bằng 56% so với dự toán, chiếm 70% so tổng thu và tăng 8% so với cùng kỳ.

Kết quả này không chỉ cho thấy nội lực tài chính vững vàng của tỉnh, mà còn phản ánh hiệu quả của quá trình điều hành, quản lý tài chính - ngân sách chặt chẽ, linh hoạt, kịp thời trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động.

Bên cạnh kết quả ấn tượng về thu ngân sách, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục khẳng định là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế cả nước, với mức tăng trưởng GRDP đạt 11,03%.

Đặc biệt, khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực chủ yếu của nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc với 23,81%, góp phần duy trì mức tăng chung của khu vực công nghiệp ở mức 8,57%.

Tình hình sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2025 duy trì ổn định, các chỉ tiêu sản xuất đều đạt, vượt mục tiêu kế hoạch 6 tháng đề ra. Sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của tỉnh, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2025 tăng 15,07% so với cùng kỳ năm trước.

Tỉnh được mệnh danh là ‘Việt Nam thu nhỏ’ thu ngân sách vượt 30.000 tỷ đồng chỉ sau 6 tháng đầu năm
Một góc tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: Internet

Ngoài ra, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, kết hợp với các sản phẩm du lịch mới và chiến lược quảng bá sáng tạo, đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế địa phương. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã đón khoảng 12,08 triệu lượt khách, trong đó có 2,275 triệu lượt khách quốc tế, mang về tổng thu du lịch ước đạt 29.140 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.

Về thu hút đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ước tính đạt 51,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: Vốn Nhà nước đạt 11,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ; Vốn ngoài Nhà nước đạt 24 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 18,4%; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 16 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7%.

Tổng vốn thu hút FDI trên địa bàn tỉnh đạt 292,01 triệu USD, bằng 18,8% cùng kỳ. Trong đó, có 12 dự án cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đạt 173,64 triệu USD và 10 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đạt 116,47 triệu USD.

Tháo gỡ các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công

Tại hội nghị kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm và thảo luận một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã yêu cầu toàn hệ thống chính trị tập trung cao độ cho 6 tháng cuối năm.

Ông nhấn mạnh cần tháo gỡ các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công, sớm điều chỉnh quy hoạch để thu hút các dự án mới, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng điểm như: Năng lượng tái tạo, du lịch - dịch vụ, nhà ở xã hội, đường sắt tốc độ cao…

Song song đó, việc triển khai Nghị quyết 57/NQ-TW về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phải được tăng tốc, hướng đến việc cho ra đời các sản phẩm cụ thể ngay trong năm 2025. Ông Vũ Đại Thắng cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030, đặc biệt là kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhằm tạo bước chuẩn bị nền tảng vững chắc cho tăng trưởng những năm tiếp theo.

Với những kết quả đạt được và chỉ đạo quyết liệt, cụ thể trong 6 tháng cuối năm, tỉnh Quảng Ninh đang từng bước hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược, khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng năng động của khu vực phía Bắc.

Nhờ sở hữu địa hình đa dạng hiếm có – nơi có cả biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi, biên giới, tài nguyên khoáng sản – tỉnh Quảng Ninh được ví như một "Việt Nam thu nhỏ".