Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2024). Năm 2024, báo cáo PCI cho thấy một bức tranh tích cực về cải thiện điều hành kinh tế cấp tỉnh. Điểm số trung vị đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm trước và là năm thứ tám liên tiếp vượt mốc 60 điểm – ngưỡng được xem là phản ánh một môi trường kinh doanh thuận lợi.
Kết quả PCI 2024 cho thấy Hải Phòng với 74,84 điểm, lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu. Trong đó, có 7/10 lĩnh vực điều hành của Hải Phòng có sự cải thiện so với năm trước gồm: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Trong lần đánh giá chính thức đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2006, PCI của Hải Phòng chỉ xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố. Giai đoạn 2006–2011, chỉ số PCI của thành phố duy trì ở vị trí thấp (36–48) và luôn biến động, năm trước tăng thì năm sau giảm hạng.
Giai đoạn 2012–2018, PCI đã có sự cải thiện so với giai đoạn trước, tuy nhiên vẫn có những biến động lớn về vị trí xếp hạng. Đến giai đoạn 2019–2024, PCI của Hải Phòng bắt đầu có những chuyển biến mạnh mẽ và chinh phục những vị trí cao.
Nỗ lực cải cách nhằm nâng cao thứ hạng Chỉ số PCI và các chỉ số cải cách hành chính đã giúp Hải Phòng vươn lên Top 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước vào năm 2024 và duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số liên tục trong 10 năm qua.
Tại buổi lễ công bố, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ông Lê Tiến Châu cho biết, Hải Phòng đã ban hành nhiều kế hoạch cải cách hành chính, thực hiện triệt để việc giao nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm cá nhân từng cán bộ, Đảng viên theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”.
Trong năm 2024, 100% thủ tục hành chính được giải quyết tại Bộ phận Một cửa; công bố danh mục thủ tục hành chính và công khai trên hệ thống trực tuyến; các khoản phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến được miễn giảm; triển khai mạng chuyên dụng, đảm bảo kết nối 100% các phường, xã và Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính hướng đến xây dựng chính quyền số.
Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, Hải Phòng trong thời gian tới sẽ tập trung xây dựng chính quyền số, đảm bảo quá trình tái cấu trúc hệ thống bộ máy hành chính sau khi hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, thành lập các phường, xã, đặc khu.
Bên cạnh đó, Hải Phòng sẽ tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng chiến lược với tinh thần “hạ tầng đi trước – tăng trưởng theo sau”; thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, với trọng tâm chiến lược là phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng; hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, phát triển cộng đồng doanh nghiệp của Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung lớn mạnh, đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu...
Mới đây, để thực hiện sứ mệnh dẫn dắt khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn thành phố, tăng cường “sức đề kháng” cho hệ sinh thái doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hải Phòng cũng đã chính thức được thành lập với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền thành phố; tham mưu, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh; thiết lập các nền tảng, điều kiện để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể từng bước tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất...
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Bên cạnh đó, theo phương án sáp nhập, Hải Phòng và Hải Dương sẽ hợp nhất thành tỉnh mới, lấy tên là Hải Phòng, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại thành phố Hải Phòng hiện nay.
Kết quả PCI 2024 cho thấy, Hải Dương đạt 69,48 điểm, đứng thứ 14 trên cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2023.
Theo báo Hải Dương, những năm qua, Hải Dương đã nỗ lực cải thiện chỉ số PCI, đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch quy trình cấp phép, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, đất đai, thị trường. Tuy nhiên, từ chính tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, vẫn còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ như: thủ tục hành chính chưa thực sự nhanh gọn; sự phối hợp giữa các cơ quan đôi khi còn chồng chéo; giải phóng mặt bằng còn chậm...
Phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là câu chuyện của Nhà nước. Đó còn là sự thay đổi chính từ cộng đồng doanh nghiệp. Muốn đi xa, doanh nghiệp tư nhân Hải Dương cần nâng cao năng lực quản trị, tăng cường liên kết, ứng dụng công nghệ mới, hướng tới sản xuất xanh, sạch, bền vững. Doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa kinh doanh trách nhiệm, không vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua tiêu chuẩn chất lượng, môi trường.
Kinh tế tư nhân Hải Dương đang đứng trước ngưỡng cửa mới, với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Nghị quyết của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo của Chính phủ, nỗ lực của tỉnh sẽ là bệ đỡ quan trọng. Nhưng động lực thực sự phải đến từ chính nội lực của doanh nghiệp, của mỗi cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám vượt khó.
Chỉ số PCI là tên viết tắt tiếng Anh của Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index) – chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. |