Tại buổi Tọa đàm "Không gian phát triển TP.HCM - Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ" diễn ra chiều 11/7, ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Kido, kiêm CEO kênh TMĐT E2E, đã đưa ra loạt cảnh báo để hàng Việt không bị lép vế giữa làn sóng số hóa.

“Không phải cứ đưa hàng lên sàn là bán được. Chọn sai sản phẩm, phân phối tràn lan, doanh nghiệp không chỉ lỗ mà còn phá hỏng hệ thống kênh bán lẻ truyền thống vốn đang đóng góp đến 98–99% doanh thu”, ông Bảo nhấn mạnh.

Theo đại diện KIDO, điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp thành công trên sàn TMĐT không phải là chạy theo xu hướng số hóa, mà là sự chuẩn bị nội lực vững vàng từ bên trong.

“Doanh nghiệp phải tự trả lời sản phẩm mình có phù hợp với nền tảng số không? Khách hàng mục tiêu là ai? Đã đủ nguồn lực, kỹ năng và tư duy để vận hành online chưa?”, ông Bảo đặt vấn đề.

Không ít doanh nghiệp trong nước rơi vào tình trạng thấy người ta lên sàn thì mình cũng lên, nhưng không xây dựng chiến lược rõ ràng. Kết quả là tốn chi phí quảng cáo, logistics, nhân sự, mà vẫn không đạt doanh số mong muốn.

Sếp KIDO hiến kế để hàng Việt 'lên sàn' vượt Thái Lan

Theo ông Bảo, nhiều doanh nghiệp tiêu dùng mắc lỗi đưa toàn bộ sản phẩm lên sàn mà không phân tích hành vi người dùng hay kênh phân phối, dẫn đến xung đột với kênh bán lẻ truyền thống.

Một trong những lỗi phổ biến mà các doanh nghiệp hàng tiêu dùng đang mắc phải, theo ông Bảo, là đưa toàn bộ danh mục sản phẩm lên sàn TMĐT mà không phân tích kỹ hành vi người dùng hoặc cấu trúc kênh phân phối hiện tại. Điều này gây nên xung đột không đáng có giữa kênh bán lẻ truyền thống và kênh online.

“Cần tỉnh táo để lựa chọn những sản phẩm có lợi thế riêng khi bán online như dòng chuyên biệt, phiên bản giới hạn, combo, hoặc sản phẩm mới, nhằm tạo phân khúc riêng, tránh cạnh tranh với chính đại lý truyền thống của mình,” ông phân tích.

Ông Bảo cho rằng Việt Nam đang ở ngưỡng cần chuyển đổi tư duy làm TMĐT. Trong hai năm qua, nhiều hoạt động mới chỉ dừng ở mức xúc tiến hình ảnh – đưa sản phẩm lên sàn, tổ chức hội thảo, truyền thông, nhưng thiếu các giải pháp phân phối thực sự mang lại doanh số và hiệu quả.

“Để TMĐT đóng vai trò là một kênh bán hàng đúng nghĩa, không thể chỉ làm truyền thông hay "cắm cờ" hiện diện trên sàn. Cần thiết lập hẳn hệ sinh thái phân phối online bài bản, có chiến lược giá, hàng tồn, logistics, nhân sự riêng,” ông đề xuất.

Về phía chính sách, ông Bảo kiến nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa sàn TMĐT, hiệp hội ngành hàng và cơ quan nhà nước nhằm gỡ rào cản chi phí – một trong những rào cản lớn nhất khiến hàng Việt khó cạnh tranh.

Cụ thể, việc giảm phí nền tảng cho hàng Việt nên được xem như một hình thức tái đầu tư vào nền kinh tế nội địa, thay vì chỉ là ưu đãi ngắn hạn. Khoản tiết kiệm này sẽ giúp doanh nghiệp tái cơ cấu vận hành, đầu tư vào marketing, logistics và trải nghiệm khách hàng.

Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ truyền thống như chương trình bình ổn giá của TP.HCM hiện đang triển khai hoàn toàn offline, nên được “số hóa” để mở rộng độ phủ và tiếp cận đúng nhóm người tiêu dùng trên nền tảng số.

Một điểm quan trọng khác được ông Bảo nhấn mạnh là cần đào tạo nguồn nhân lực số chuyên nghiệp, thay vì chỉ giao cho phòng kinh doanh kiêm nhiệm TMĐT.

“TMĐT là một cuộc chơi hoàn toàn khác, với logic tiêu dùng khác, vận hành khác và yêu cầu công nghệ khác. Nếu không có nhân sự chuyên biệt, doanh nghiệp sẽ sớm hụt hơi,” ông cảnh báo.

Với tốc độ tăng trưởng thuộc top đầu khu vực, Việt Nam có tiềm năng rõ ràng để vượt Thái Lan, vươn lên vị trí thứ hai về TMĐT trong Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông Bảo khẳng định, điều đó không thể đạt được nếu chúng ta tiếp tục “làm phong trào”, tổ chức nhiều hội thảo nhưng thiếu những hành động thực tiễn.

“Chuyển trọng tâm từ xúc tiến sang phân phối thực chất, từ hình thức sang nội dung, từ ngắn hạn sang dài hạn, đó là con đường duy nhất để TMĐT Việt Nam cất cánh và hàng Việt chiếm được niềm tin trên không gian số,” ông nói.