Từ vị thế của một cổ phiếu "trà đá" nhiều năm giao dịch dưới mức 3.000 - 4.000 đồng; từ vị thế của một doanh nghiệp mà các yếu tố về quản trị bền vững, tốc độ tăng trưởng gần như bằng 0; từ vị thế của một doanh nghiệp luôn thất bại trong việc thực hiện các cam kết kinh doanh với cổ đông;... cổ phiếu SJC của CTCP Sông Đà 1.01 (sàn UPCoM) bất ngờ trở thành "hiện tượng" chứng trường từ cuối năm 2022 đến nay - nhất là khi doanh nghiệp này có sự xuất hiện của cổ đông lớn Phạm Khánh Phương (Ca sĩ Khánh Phương).

Sông Đà 1.01 (SJC): 8 năm không cổ tức, 5 năm không ĐHCĐ vẫn tăng 1.000% sau 11 tháng
Một phiên họp ĐHCĐ bất thường của Sông Đà 1.01

Ngày 28/10/2022, ông Phạm Khánh Phương lần đầu mua vào hơn 3,15 triệu cổ phiếu SJC (tỷ lệ 45,51% vốn) qua đó ngồi nghế cổ đông lớn tại doanh nghiệp này. Kết phiên hôm đó, cổ phiếu Sông Đà 1.01 đóng cửa tại mức 5.800 đồng (tương ứng số tiền chi ra là 18,3 tỷ).

Giữa tháng 11, cá nhân này mua thêm 66.800 cổ phiếu nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 46,65%.

Sau đó một tuần - ngày 25/11/2022 - tại mức giá 9.800 đồng, ông Phạm Khánh Phương bất ngờ thông báo đã bán xong 1.631.622 cổ phiếu SJC giảm tỷ lệ sở hữu về mức 23,12%.

Phiên này, một cá nhân khác là bà Vũ Thị Thúy đã mua vào số cổ phiếu đúng bằng lượng ông Phương đã bán. Xét theo giá thị trường, tạm tính ca sĩ Khánh Phương đã lãi gần 70% trong thương mua mua bán ngắn ngủi này.

Sông Đà 1.01 (SJC): 8 năm không cổ tức, 5 năm không ĐHCĐ vẫn tăng 1.000% sau 11 tháng

Đến ngày 9/12/2022, ông Phương mua trở lại 65.400 cổ phiếu Sông Đà 1.01 (mức 12.800 đồng/cp).

2 tháng rưỡi sau sự xuất hiện của nam ca sĩ cổ đông, cổ phiếu SJC tăng mạnh lên mức 18.600 đồng thị giá - giá lịch sử của công ty kể từ năm 2014.

Từ đỉnh tháng 1/2023, cổ phiếu SJC rơi mạnh về mức 4.500 đồng (đầu tháng 4). Mức giá này được ấn định sau khi bà Vũ Thị Thúy (người được cho là đã mua vào hơn 1,63 triệu cổ phiếu từ ông Phạm Khánh Phương) bán ra toàn bộ số cổ phiếu nắm giữ (cắt lỗ).

Chưa dừng lại, cuộc chơi ở Sông Đà 1.01 tiếp tục xuất hiện khi cổ phiếu SJC hồi mạnh trong 8 tuần gần nhất (thực chất chỉ được giao dịch phiên thứ 6 hàng tuần); sắc tím phiên sáng 26/5 đã kéo thị giá hồi trở lại mốc 12.100 đồng. Tại mức giá này, nếu bán tất tay số cổ phiếu còn lại, ông Phạm Khánh Phương có thể thu về khoản lãi 109% so với giá gốc đầu tư.

Sông Đà 1.01 (SJC): 8 năm không cổ tức, 5 năm không ĐHCĐ vẫn tăng 1.000% sau 11 tháng
Đầu tháng 7/2022, cổ phiếu SJC chỉ có giá 1.300 đồng/cp

SJC có gì để "tay to" nhập cuộc?

Ngày 2/7/2021, gần 7,23 triệu cổ phiếu SJC của Sông Đà 1.01 bị đưa vào diện hạn chế giao dịch trên sàn UPCoM do tình trạng bị hủy bỏ niêm yết và chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị hủy niêm yết.

Mã sau đó tiếp tục bị duy trì diện hạn chế giao dịch trong các tháng 5 và 7/2022 với lý do bổ sung - không công bố thông tin họp ĐHCĐ thường niên 2022. Những năm trước đó, cổ phiếu này cũng thường xuyên bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) điểm tên trong danh sách cổ phiếu bị kiểm soát, cổ phiếu tạm dừng giao dịch,...

Về quản trị, kể từ năm 2019 đến nay, nhà đầu tư gần như không ghi nhận bất kỳ Biên bản họp ĐHCĐ thường niên nào của Sông Đà 1.01 (5 năm không họp ĐHCĐ thường niên). Dù vậy, với chỉ hơn 7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, có thể khẳng định số cổ đông tham gia nắm giữ cổ phiếu SJC là không đáng kể.

Tính riêng 6 cổ đông lớn nhất hiện đang nắm tới 66,4% vốn của công ty.

TÊN CỔ ĐÔNG SỐ CỔ PHIẾU TỶ LỆ % TÍNH ĐẾN NGÀY
Phạm Khánh Phương 1.682.496 24,26 9/12/2022
CTCP Đầu tư Nam Nhật Khang 1.018.600 14,69 31/3/2023
Nguyễn Thanh Hải 722.692 10,42 13/1/2023
CTCP Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam 706.000 10,18 31/3/2023
Thái Thị Thu Nga 368.573 5,31 31/12/2015
Lê Hà Phương 105.300 1,52 26/5/2023

Từ năm 2017 tới nay, phần lớn các giao dịch đáng chú ý tại SJC đều tập trung ở hoạt động mua bán của lãnh đạo và người có liên quan tại Sông Đà 1.01; nhóm cổ đông liên quan đến Chủ tịch HĐQT Tạ Văn Trung (bao gồm con, em, vợ, em dâu) cũng từng ghi nhận các giao dịch lớn trong năm 2022.

Mới nhất, Giám đốc Sông Đà 1.01 - Lê Hà Phương vừa đăng ký mua 1,6 triệu cổ phiếu SJC từ ngày 26/5 - 23/6 nhằm tăng lượng sở hữu lên mức 1,7 triệu đơn vị.

Như vậy, có thể nói diễn biến cổ phiếu SJC trong nhiều năm qua chủ yếu là "cuộc chơi" của các cổ đông lớn (cá nhân); các giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ gần như không đáng kể.

Phiên sáng 26/5, chỉ 500 cổ phiếu khớp lệnh đã đủ kéo SJC lên mức giá trần.

Sông Đà 1.01 (SJC): 8 năm không cổ tức, 5 năm không ĐHCĐ vẫn tăng 1.000% sau 11 tháng

Về sức khỏe tài chính, kể từ 2015, Sông Đà 1.01 luôn ghi nhận tình trạng lãi lỗ đan xen; mức lãi chủ yếu từ vài chục triệu đồng đến dưới 2,3 tỷ - trong trường hợp đột biến. Trong khi đó, năm 2022, công ty lỗ kiểm toán tới 5,3 tỷ đồng và chưa thể xóa hết lỗ lũy kế. Theo đó, công ty gần như thất hứa trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh những năm trở lại đây.

Đến ngày 31/12/2022, SJC có tổng tài sản 1.643 tỷ đồng trong đó 86% là hàng tồn kho. Nợ phải trả tăng lên mức 1.550 tỷ (bằng 94,3% tổng tài sản); con số này thậm chí gấp 16,5 lần vốn chủ sở hữu (chỉ vỏn vẹn 94 tỷ đồng).

- Một doanh nghiệp 5 năm liên tiếp không họp ĐHCĐ thường niên; 8 năm không chia cổ tức (tương tự một số doanh nghiệp nhóm Sông Đà); kinh doanh bết bát với 94% tài sản được xây từ nợ; có cổ phiếu chỉ là "cuộc chơi" của những cổ đông lớn; dù trong diện hạn chế giao dịch song đã tăng gần 1.000% từ tháng 7/2022;...

... Tất cả đều khiến thị trường phải hoài nghi về sự góp mặt trên sàn!