Tối 29/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực đường sắt đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo.

Chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 11/2024 đến tháng 2/2025, Quốc hội đã thông qua 3 Nghị quyết quan trọng liên quan đến phát triển hạ tầng đường sắt, bao gồm:

- Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

- Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

- Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM.

Trong đó, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541km, nối Hà Nội và TP. HCM, với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới khoảng 67 tỷ USD.

Thủ tướng 'phát lệnh' xây dựng đường sắt, Đèo Cả ráo riết tuyển 7.500 nhân sự khai thác 'mỏ vàng' 184 tỷ USD
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vào ngày 19/2/2025, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, theo kế hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 413km, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này ước tính khoảng 37 tỷ USD. Đến năm 2045, Hà Nội sẽ đầu tư thêm 5 tuyến dài hơn 200km với tổng vốn khoảng 18 tỷ USD.

Trong khi đó, TP. HCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn chỉnh 7 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 355km, đảm bảo vận tải hành khách công cộng đạt 40-50% nhu cầu đi lại. Sau năm 2035, thành phố dự kiến xây thêm 3 tuyến metro khác. Tổng nhu cầu vốn đầu tư và vận hành hệ thống đường sắt đô thị của TP. HCM đến năm 2035 vào khoảng 36 tỷ USD, từ 2036 đến 2045 khoảng 26 tỷ USD và từ 2046 đến 2060 cần hơn 40 tỷ USD.

Theo đó, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội và TP. HCM (đến năm 2045) có thể tạo ra thị trường trị giá 184 tỷ USD.

Trước tiềm năng to lớn này, các nhà thầu trong nước đã chủ động chuẩn bị để nắm bắt cơ hội. Đáng chú ý, Tập đoàn Đèo Cả đã triển khai các kế hoạch chiến lược từ đào tạo nhân lực đến thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế nhằm đón đầu khối lượng công việc trong tương lai.

Ngày 1/4, đoàn công tác của Tập đoàn Đèo Cả, do Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng dẫn đầu, đã có chuyến tham quan và làm việc tại Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 1. Chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa hai đơn vị, hướng đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giao thông.

Thủ tướng 'phát lệnh' xây dựng đường sắt, Đèo Cả ráo riết tuyển 7.500 nhân sự khai thác 'mỏ vàng' 184 tỷ USD
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Đèo Cả

Chia sẻ về chiến lược phát triển nhân sự, ông Nguyễn Quang Huy – Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả – cho biết đơn vị dự kiến tuyển dụng khoảng 1.400 lao động trong năm 2025 nhằm bổ sung nhân sự cho các dự án giao thông trọng điểm trên cả nước.

Bên cạnh đó, đại diện Tập đoàn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao để chuẩn bị nguồn lực cho các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. HCM.

“Trong kế hoạch phát triển đến năm 2030, chúng tôi tập trung vào việc xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, với mục tiêu bổ sung từ 1.000 đến 1.500 nhân sự mỗi năm”, ông Nguyễn Quang Huy chia sẻ.

Hướng đến mục tiêu này, Đèo Cả triển khai các chương trình đào tạo “Công nhân thực hành” và “Kỹ sư thực chiến”, với quy mô tuyển sinh từ 500 đến 1.000 học viên mỗi năm. Đáng chú ý, chương trình “Kỹ sư thực chiến” được thiết kế dành cho học viên đã hoàn thành khóa “Công nhân thực hành”, đi kèm chính sách tài trợ hấp dẫn dành cho những người đạt thành tích tốt, hoàn thành khóa học đúng hạn và cam kết làm việc tại Tập đoàn sau khi tốt nghiệp.