Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu gồm 4 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư khoảng 19.830 tỷ đồng. Trong đó, 3 dự án thành phần giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư khoảng 4.332 tỷ đồng, tổng diện tích thu hồi khoảng 62,53 ha, khoảng 701 trường hợp thu hồi đất.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội là chủ đầu tư, tổng mức đầu tư khoảng 15.498 tỷ đồng. Nhà thầu thi công là liên danh Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc), Tập đoàn VinGroup và một số đối tác khác.

Thủ tướng yêu cầu rút ngắn thời gian thi công cầu Tứ Liên xuống còn 24 tháng, phấn đấu khánh thành vào ngày 19/5/2027

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu - Ảnh: VGP

Trong đó, đường dẫn đầu cầu phía Nghi Tàm rộng 48 m, phía Đông Anh rộng 60 m, cầu chính Tứ Liên dây văng rộng 43 m (kết cấu dầm thép nhịp chính 500 m, trụ tháp cao 185 m), cầu đúc hẫng, cầu thép; 2 nút giao với đường Nghi Tàm và nút giao với đường Trường Sa, hầm chui và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hè đường, chiếu sáng, chiếu sáng kiến trúc, cây xanh…

Đến thời điểm hiện tại, công tác triển khai thực hiện dự án đã đạt hiệu quả tốt. Thủ tướng đề nghị Ban Quản lý dự án phát huy trách nhiệm cao nhất, các nhà thầu nỗ lực rút ngắn thời gian thi công dự án xuống còn 24 tháng, và phấn đấu khánh thành cầu Tứ Liên vào dịp Kỷ niệm 137 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2027).

Cầu Tứ Liên là một trong 18 công trình cầu đường bộ vượt qua sông Hồng thuộc Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là công trình cầu vượt sông Hồng đầu tiên khởi công trong năm 2025 để tạo đà tiếp tục khởi công 6 công trình cầu lớn như cầu Trần Hưng Đạo, cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (Vành đai 4), cầu Vân Phúc…

Công trình cầu Tứ Liên với thiết kế kiến trúc dây văng hai mặt phẳng dây, chiều dài nhịp chính và chiều cao trụ tháp lớn, sơ đồ dây đan chéo trên một mặt phẳng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc, sau khi hoàn thành vào năm 2027 sẽ là một trong những công trình cầu biểu tượng của thành phố Hà Nội.