Mới đây, ông Adam Sitkoff – Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) – đã chia sẻ với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam những đánh giá tích cực về quan hệ kinh tế – thương mại song phương.
Ông Sitkoff nhấn mạnh, sau 31 năm bình thường hóa quan hệ, thương mại giữa 2 nước đã tăng trưởng vượt bậc, từ 451 triệu USD năm 1994 lên 150 tỷ USD như hiện nay, biến Việt Nam và Hoa Kỳ trở thành đối tác kinh tế quan trọng của nhau.
![]() |
ông Adam Sitkoff – Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam |
Đề cập đến thỏa thuận thuế đối ứng công bằng vừa được Tổng thống Donald Trump công bố, ông Sitkoff cho rằng sự cam kết này mang lại mức độ chắc chắn hiếm có cho cộng đồng doanh nghiệp Việt – Mỹ.
“Chỉ vài ngày trước khi thời hạn tạm hoãn áp thuế đối ứng kết thúc, hai bên đã đạt được một thỏa thuận mang tính xây dựng,” ông Sitkoff nói. “Điều này rất có ích cho doanh nghiệp, giúp cả 2 chính phủ tập trung vào chi tiết của các vòng đàm phán tiếp theo”.
Ông Sitkoff đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo Việt Nam trong việc thiết lập cơ chế hợp tác mới với Chính quyền Trump, đồng thời bày tỏ niềm tin rằng, với đà phát triển hiện nay, quan hệ thương mại song phương sẽ còn mở rộng, không chỉ nâng cao mức sống của người dân mà còn mang lại thịnh vượng cho cả 2 quốc gia.
Chia sẻ về triển vọng lâu dài, Giám đốc AmCham cho biết ông đã sống và làm việc tại Việt Nam hơn 24 năm, trực tiếp chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế. Theo ông, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh, từ vị trí địa lý thuận lợi, nguồn lao động có tay nghề cao cho đến thị trường tiêu thụ hơn 100 triệu dân.
“Các công ty Hoa Kỳ không chỉ đến vì chi phí sản xuất rẻ, mà còn bởi tầm nhìn dài hạn và cam kết đầu tư bền vững”, ông Sitkoff nói. Lãnh đạo AmCham cũng ghi nhận xu hướng dịch chuyển của các doanh nghiệp Mỹ sang các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn, cho thấy độ hấp dẫn ngày càng tăng của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
![]() |
Lãnh đạo AmCham kỳ vọng quan hệ thương mại song phương Việt Nam và Mỹ sẽ còn mở rộng (Ảnh minh họa) |
“Các nhà đầu tư Hoa Kỳ ở đây vì mục đích lâu dài và cam kết sản xuất, kinh doanh lâu dài với đất nước này. Hiện nhiều công ty Hoa Kỳ đang chuyển sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn như trí tuệ nhân tạo hoặc chất bán dẫn”, lãnh đạo AmCham chia sẻ.
Kết thúc cuộc trao đổi, ông Adam Sitkoff khẳng định: “Việt Nam đã và đang hiện diện mạnh mẽ trên bản đồ đầu tư toàn cầu. Tôi tin tưởng rằng, với nền tảng hợp tác vững chắc và những bước đi chiến lược, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong tương lai tươi sáng của Việt Nam”.
Loạt doanh nghiệp niêm yết tham gia nâng tầm thương mại song phương Việt – Mỹ
Từ đầu năm 2025 đến nay, nhiều doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân hàng đầu Việt Nam đã đi vào ký kết và khởi động loạt hợp tác chiến lược với các “ông lớn” Hoa Kỳ.
Trong chuyến công tác tới Washington hồi tháng 3/2025, PV Power (POW) đã ký biên bản ghi nhớ với GE Vernova – đơn vị cung cấp thiết bị cho các nhà máy điện khí – nhằm mua sắm và bảo trì hệ thống tua-bin, máy phát cho các dự án điện khí tại Việt Nam.
Cùng thời điểm, PV GAS đã hoàn tất đàm phán với ConocoPhillips và Excelerate Energy về việc nhập khẩu dầu thô và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của hệ thống điện và công nghiệp trong nước.
![]() |
Lãnh đạo PV GAS trao đổi văn kiện với đại diện Excelerate Energy (Ảnh: Báo Chính phủ) |
Ở ngành lọc hóa dầu, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị sở hữu Nhà máy Lọc dầu Dung Quất – đã ký kết hợp tác với tập đoàn kỹ thuật Kellogg Brown & Root (KBR) để nghiên cứu tiền khả thi dự án sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), góp phần giảm phát thải carbon trong vận tải hàng không.
Song song, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã đặt nền móng cho thị trường nhiên liệu sinh học khi ký biên bản ghi nhớ với 3 tổ chức hàng đầu của Mỹ gồm U.S. Grains Council, Renewable Fuels Association và Growth Energy, thúc đẩy nhập khẩu ethanol và thương mại hóa nhiên liệu sạch tại Việt Nam.
Tập đoàn Masan (MSN) cũng đã công bố thư ý định (LoI) với U.S. International Development Finance Corporation (DFC) để xúc tiến đầu tư cho dự án chế biến khoáng sản, hướng đến nâng cao giá trị thô quặng và giảm thiểu phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu.
Những thỏa thuận, với tổng giá trị cam kết lên tới hơn 4 tỷ USD, không chỉ là dấu ấn quan trọng trong hợp tác song phương Việt – Mỹ, mà còn tạo động lực cho chuyển đổi năng lượng xanh, nâng cao năng lực sản xuất trong nước và mở rộng chuỗi giá trị nội địa.
Trong lĩnh vực hàng không, 2 hãng bay lớn của Việt Nam cũng mở rộng hợp tác với đối tác Mỹ. Vietjet Air (VJC) dự kiến tiếp nhận 10 máy bay Boeing 737 MAX trị giá 1,8 tỷ USD trong năm 2025. Ngoài ra, hãng đã ký thỏa thuận hợp tác với quỹ tài chính hàng không AV AirFinance trị giá 300 triệu USD để phát triển đội tàu và cơ sở hạ tầng bay.
Cùng thời gian này, Vietnam Airlines (HVN) ký biên bản ghi nhớ với Citibank (Mỹ) trị giá 560 triệu USD, tạo nền tảng cho các giải pháp tài chính và dịch vụ thanh toán quốc tế, qua đó củng cố nguồn vốn phục vụ mở rộng mạng bay và nâng cấp dịch vụ khách hàng.