Những ngày qua, chính sách tiền lương cho nhà giáo đang trở thành tâm điểm trong quá trình thảo luận Dự thảo Luật Nhà giáo tại kỳ họp Quốc hội. Một trong những điểm thu hút sự quan tâm là đề xuất xếp lương giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp.
Đây được xem là một bước đi được đánh giá là thể hiện sự ghi nhận vai trò trung tâm của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục.
Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng tình, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về cách thức triển khai cụ thể, đặc biệt là việc xác định mức khởi điểm và cách xếp ngạch lương cho giáo viên.
Theo Báo Dân trí, phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, mặc dù dự thảo luật khẳng định nguyên tắc xếp lương nhà giáo cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, nhưng lại chưa có quy định rõ ràng về mức lương khởi điểm. Điều này có thể dẫn đến lúng túng trong thực thi và thiếu công bằng giữa các nhóm giáo viên.
Ông đề xuất bổ sung quy định mức lương khởi điểm cho giáo viên cần cao hơn ít nhất 1–2 bậc so với công chức hành chính cùng trình độ chuyên môn, nhằm bảo đảm sự đãi ngộ xứng đáng.
Cùng quan điểm, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đánh giá cao tinh thần nhân văn của đề xuất nhưng đặt câu hỏi về tính khả thi nếu toàn bộ giáo viên đều được xếp vào nhóm lương A3 – nhóm cao nhất trong hệ thống ngạch viên chức hiện hành.
![]() |
Như vậy, nếu lương giáo viên được xếp hạng A3 sẽ ngang hàng giáo sư. Ảnh minh hoạ |
Theo ông, nếu giáo viên các cấp đều được xếp vào loại A3 với hệ số khởi điểm 6,2 và bậc cuối lên đến 8,0, mức lương sẽ tương đương với giảng viên cao cấp hoặc giáo sư đại học. Điều này có thể gây ra sự thiếu hợp lý trong nội bộ ngành giáo dục, giữa giáo viên mầm non, tiểu học và giáo viên THPT, đại học.
Ông Tô Văn Tám đặt vấn đề, nếu tất cả giáo viên đều vào nhóm cao nhất A3, liệu có phản ánh đúng tính chất, trình độ và yêu cầu công việc của từng cấp học? Đồng thời kiến nghị cần làm rõ tiêu chí xếp lương để bảo đảm sự công bằng và khả thi trong thực hiện.
Theo quy định hiện hành tại Thông tư 01/2021 của Bộ GD&ĐT, giáo viên đang được chia làm 3 hạng tương ứng với các loại viên chức A1, A2.1, A2.2. Trong khi đó, viên chức loại A3 – nhóm được đề xuất áp dụng cho nhà giáo – có hệ số lương khởi điểm cao nhất, dao động từ 5,75 đến 8,0 tùy nhóm (A3.1 hoặc A3.2).
Với mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng (áp dụng từ 1/7/2024 theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP), mức lương viên chức nhóm A3 có thể đạt từ 13,455 triệu đến 18,720 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm các khoản phụ cấp. Trong khi đó, mức lương hiện tại của giáo viên dao động từ 4,9 triệu đến gần 16 triệu đồng/tháng.
Việc đặt lương giáo viên ở vị trí cao nhất trong hệ thống không chỉ mang ý nghĩa cải thiện đời sống giáo viên, mà còn thể hiện định hướng chiến lược trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, cần có hướng dẫn chi tiết về mức khởi điểm, tiêu chí xếp hạng và cách chuyển đổi ngạch lương.
Bảng lương giáo viên hiện nay
Trong bối cảnh thảo luận về chính sách lương mới dành cho nhà giáo, việc cập nhật và nắm rõ mức lương hiện hành của giáo viên các cấp là điều cần thiết. Điều này không chỉ giúp so sánh với các đề xuất thay đổi trong Dự thảo Luật Nhà giáo mà còn tạo cơ sở để đánh giá mức độ cải thiện về thu nhập trong tương lai.
Hiện nay, lương của giáo viên – thuộc diện viên chức – được tính theo công thức:
Tiền lương = Mức lương cơ sở x Hệ số lương.
Với mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024 (theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP), bảng lương giáo viên năm 2025 sẽ được áp dụng chi tiết theo hệ số tương ứng từng hạng và cấp học. Cụ thể như sau:
![]() |
Mức lương giáo viên mầm non 2025. Ảnh: Tổng hợp |
![]() |
Mức lương giáo viên Tiểu học 2025. Ảnh: Tổng hợp |
![]() |
Mức lương giáo viên THCS 2025. Ảnh: Tổng hợp |
![]() |
Mức lương giáo viên THPT năm 2025. Ảnh: Tổng hợp |